Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Dân ta phải biết sử ta”

Cập nhật: 15:10 ngày 19/07/2018
(BGĐT) - Nếu việc gian lận điểm thi ở Hà Giang mấy ngày qua khiến dư luận bất bình thì kết quả điểm thi môn Lịch sử ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lại khiến nhiều người lo ngại bởi dân ta “ngại” biết sử ta, điểm thi của các em được cho là thấp kỷ lục.

Theo phổ điểm chính thức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cả nước có tới 83% thí sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình. Con số này so sánh với các năm đều thấp dần. Cụ thể, năm 2016 điểm bình quân của thí sinh là 4,49 điểm; năm 2017 là 4,6 điểm và năm nay, điểm môn học này rớt một cách thê thảm, chỉ 3,79 điểm.

Nhiều thầy cô và chuyên gia đánh giá nguyên nhân có thể do cách ra đề đang có nhiều đổi mới, tức là “không chấp nhận” học sinh “học vẹt” như trước mà thay vào đó, các em phải biết kết nối, vận dụng kiến thức. Chưa kể, đề năm nay có thêm kiến thức lớp 11, phạm vi kiến thức rộng hơn khiến nhiều em lúng túng, dẫn tới khoanh… bừa. Đặc biệt, so với các môn, điểm môn Lịch sử luôn ở tốp dưới, do nhiều học sinh không đầu tư học, chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp...

Tất cả các nguyên nhân trên đều đúng nhưng chưa hẳn là tất cả. Thực tế rất ít học sinh yêu thích môn Lịch sử, nếu như không muốn nói là sợ. Chương trình sách giáo khoa không có nhiều đổi mới, khô cứng, kể lể số liệu. Cách dạy và học của thầy cơ bản vẫn là đọc- chép, ít dẫn chứng, ít minh họa khiến học sinh chán, không tha thiết với môn học. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh, học sinh và cả nhà trường còn coi môn học này là môn phụ nên chưa đầu tư thỏa đáng.

Không hẳn là chuyện điểm thi mà thực tế, rất cần phải đổi mới cách dạy và học để học trò yêu thích và có hứng thú với môn Lịch sử. Đơn cử như dạy một mốc lịch sử thì cần liên hệ với thực tế những địa danh trong lịch sử đó bây giờ ở đâu, tên gọi đã thay đổi như thế nào, những vật dụng thời xa xưa thay đổi như thế nào qua thời gian? Tâm huyết hơn, người thầy có thể hướng học trò vào những câu chuyện lịch sử, dẫn giải từng bước với trực quan sinh động…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là yêu cầu của Bác với dân con nước Việt. Bởi lẽ lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. “Biết” quá khứ để rút kinh nghiệm mà vận dụng cho hiện tại và tương lai; chứ không phải như nhiều người vẫn nói vui: “Cái gì không biết thì tra google”.

Hồng Sương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...