Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghịch lý vải thiều

Cập nhật: 10:56 ngày 11/07/2018
(BGĐT) - Năm nay, sản lượng vải thiều của Bắc Giang tăng hơn gấp đôi năm ngoái nhưng tổng số tiền thu về chỉ tương đương, đây là nghịch lý về sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Mùa vải thiều đã khép lại, theo báo cáo của Sở Công Thương, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt 215 nghìn tấn (riêng huyện Lục Ngạn khoảng 150 nghìn tấn), là năm vải thiều được mùa nhất và sản lượng lớn nhất từ trước đến nay, doanh thu ước đạt 5.700 tỷ đồng (trong đó gần một nửa thu từ dịch vụ hỗ trợ).

So sánh với năm 2017, sản lượng vải thiều đạt hơn 90 nghìn tấn, tổng doanh thu 5.300 tỷ đồng, trong khi đó giá sản phẩm, dịch vụ nhiều loại chỉ rẻ bằng nửa năm nay thì thấy rằng doanh thu từ vải thiều năm 2018 chỉ xấp xỉ bằng năm ngoái mặc dù sản lượng cao hơn gấp đôi.

Như vậy hiệu quả kinh tế của vải thiều năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái vì chi phí thu hoạch, vận chuyển, hạ tầng giao thông… để tiêu thụ một sản lượng vải thiều khổng lồ như vậy là không nhỏ.

Mặt khác, để tiêu thụ một sản lượng lớn như vậy chỉ trong thời gian ngắn là sức ép đến “nghẹt thở”. Rất mừng là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng đã chung tay nên việc tiêu thụ vải thiều đã "xuôi chèo mát mái".

Gần như toàn bộ sản lượng vải thiều của tỉnh phải vận chuyển qua quốc lộ 31 vốn chẳng rộng rãi gì dẫn đến nhiều đoạn đường từ huyện Lục Nam đi Lục Ngạn, Sơn Động thường xuyên bị ùn tắc, ảnh hưởng xấu đến các lĩnh vực sản xuất và đời sống khác.

Áp lực về bảo đảm an ninh trật tự vì hàng nghìn thương nhân, người lao động đến buôn bán, làm thuê trong mùa vải thiều.

Áp lực về giá bán vải thiều. Chưa năm nào biên độ giá vải thiều lại dao động lớn như năm nay. Có loại chỉ 3.000 – 5.000 đồng/kg; có loại 10.000 – 15.000 đồng/kg; có loại từ 20.000 – 40.000 đồng/kg.

Loại giá thấp nhất là vải sớm cuối vụ, vải chính vụ nhưng chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở những chân đất không phù hợp, khó khăn về nước tưới, quả nhỏ, bị sâu cuống. Loại giá trung bình và giá cao là vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Loại vải giá thấp vừa khó bán lại làm ảnh hưởng đến “thương hiệu” vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang.

Từ nghịch lý trên, vấn đề rút ra để nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất và tiêu thụ vải thiều là cần coi trọng chất lượng vải thiều chứ không phải là chạy theo sản lượng. Do vậy cần cơ cấu lại sản xuất vải thiều. Theo đó những diện tích vải thiều ở nhưng chân đất không phù hợp cần chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. 

Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, mô hình hợp tác, HTX để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển để nâng cao chất lượng vải thiều. Cần thay đổi mạnh mẽ hơn việc bán vải thiều theo cách truyền thống gồm cả cành, cuống liền quả bằng việc đóng hộp quả rời có đầy đủ nhãn mác.

Cùng đó cần tổ chức lại cách tiêu thụ là chủ yếu mua bán ở các điểm cân ven quốc lộ 31 bằng các chợ nhỏ sát đường nhằm tránh ùn tắc giao thông trong mùa vải thiều.

Làm được như thế thì vụ vải thiều sau sẽ thắng lợi hơn vụ này.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...