Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khoe điểm

Cập nhật: 09:26 ngày 20/06/2018
(BGĐT) - Trên mạng xã hội, thấy nhiều bậc cha mẹ khoe bảng điểm của con mình khi kết thúc năm học hay điểm thi vào lớp 10 bậc THPT, đặc biệt là kết quả thi vào Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) mới đây. 

Có thể vì vui quá khi con em mình đỗ đạt theo nguyện vọng nên họ đăng lên facebook cá nhân mà quên mất rằng, niềm vui của người này có khi lại là nỗi buồn của người khác.

Theo Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, cha mẹ muốn đưa thông tin cá nhân, trong đó có điểm số của con lên mạng phải được sự đồng ý của trẻ, nếu không sẽ phạm luật. Chiểu theo điều này thì tâm lý trẻ con, đa phần các cháu đều không muốn bố mẹ khoe bảng điểm hay thành tích học tập của mình cho “cả làng” biết.

Có con cùng đi vào lớp 6 Trường THCS Lê Quý Đôn, cả hai gia đình chơi với nhau nhưng cháu trượt cháu đỗ. Bố mẹ cháu đỗ phấn khởi khoe khắp “phây”, thành ra bố mẹ cháu trượt xem “phây” mà… ngậm ngùi. Dù like (thích) đấy nhưng tâm trạng phụ huynh có con trượt vẫn buồn rười rượi. Thậm chí, có gia đình còn mang “phây” ra mắng con em mình, chì chiết rằng con người ta giỏi thế này, con người ta đỗ thế kia, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực cho một số trẻ.

Trẻ nhỏ bây giờ nhiều cháu cũng có “phây”. Thành ra xem “phây” của bố mẹ, chúng thấy nở mũi vì lời khen, lời chúc mừng song vô tình lại tạo áp lực cho trẻ phải cố gắng để làm sao “năm sau cao hơn năm trước”, học vì điểm số.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, dù bây giờ điểm 9, 10 ở bậc tiểu học gần như là… phổ cập nhưng bảng điểm vẫn có sức hút lạ kỳ với mọi người. Nhiều phụ huynh mặc định con em mình học giỏi hay không thông qua điểm số; từ đó họ tự hào, tâng bốc con quá mức. Điều này có thể tạo ra hai thái cực cho trẻ, hoặc là trẻ thấy xấu hổ, tự ti vì mình không được giỏi giang như vậy hoặc tạo cho các em sự ảo tưởng, ngộ nhận về thành tích của mình.

Nhiều người phê phán ngành giáo dục nặng về bệnh thành tích nhưng chính các bậc phụ huynh còn nặng thành tích hơn qua việc khoe điểm số, giấy khen, kết quả thi cử của con mình. Ngoài việc động viên, khuyến khích con học giỏi thì bảng điểm của con cũng làm bố mẹ mát mặt khi nhận được vô số lời khen của mọi người. Ngược lại, với cha mẹ, con học tập chưa có điểm cao lại nảy sinh tâm lý ăn thua, ra sức cho con học thêm, nhồi nhét để con học giỏi, có điểm số cao để mở mày mở mặt, bằng bạn bằng bè.

Suy cho cùng điểm số cũng chỉ là những con số. Không cổ súy cho con có tư tưởng học bình bình, lười biếng song bên cạnh việc trau dồi kiến thức, cha mẹ cũng nên quan tâm trang bị cho trẻ các kỹ năng sống để không ngô nghê sau này khi bước vào đời. Điều đó có khi còn quan trọng hơn mấy giấy khen hiện thời bây giờ.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...