Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trẻ em hôm nay...

Cập nhật: 08:52 ngày 01/06/2018
(BGĐT) - Hôm nay (1-6), ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Tết dành cho trẻ em. Đây là dịp để trẻ được vui chơi, được tặng món quà ý nghĩa từ người thân. Thay cho món quà nhỏ, xin chia sẻ vài dòng suy nghĩ về trẻ em hôm nay, thế hệ tương lai của đất nước.

“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, đó là hai câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ. Đó cũng đồng thời là trách nhiệm Bác giao cho hậu thế phải thường xuyên chăm lo cho thế hệ măng non vì sự phồn vinh của dân tộc.

Thấm nhuần lời căn dặn của Người, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã vào cuộc đồng bộ, toàn diện nên công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được những kết quả quan trọng. Các quyền và môi trường sống của trẻ được bảo đảm; trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm.

Tuy nhiên, với mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em thì thấy rằng việc bảo vệ, chăm sóc, việc học hành của trẻ còn nhiều vấn đề phải trăn trở, đáng quan tâm.

Trên Facebook của anh Nguyễn Quốc Vương đặt một câu hỏi thăm dò: “Theo cảm nhận của các bạn thì học sinh hiện nay có học lực tốt hơn hay kém hơn những thế hệ trước?”

Các ý kiến bình luận có góc nhìn rất phong phú và nhiều ý kiến đối lập nhau. Ý kiến được nhiều người đồng tình là: “Để đưa ra kết luận hơn hay kém thì phải mất chục trang giấy để chứng minh. Nhưng có một điều chắc chắn là học sinh bây giờ phân hóa hơn. Trò giỏi thì đạt thành tựu hơn, trò hư thì cũng không ít”.

Có thể thấy vấn đề “nóng” nhất với trẻ em vẫn là chuyện học hành. Ở đâu cũng thấy người ta bàn chuyện học hành. Vào mùa thi chuyện này lại càng “nóng”. Chẳng hạn mùa thi năm nay là chuyện áp lực nặng nề của “thế hệ vàng”.

Chả là trong hệ thiên can của văn hóa phương Đông, người Việt coi bốn chữ “Đinh, Nhâm, Quý, Giáp” là nhất. Nếu bốn thiên can ấy rơi vào năm mà con vật đại diện “đẹp”, thì năm ấy dân số bùng nổ. Vì thế năm 2018 là năm đặc biệt khi ba “thế hệ vàng” vào học ở ba cấp mới với số học sinh tăng vọt: “Dê vàng” (Quý Mùi - 2003) thi tuyển vào THPT, “lợn vàng” (Đinh Hợi - 2007) lên bậc THCS và “rồng vàng” (Nhâm Thìn - 2012) vào Tiểu học.

Vậy là vô hình trung cái tư duy “năm tốt, năm xấu”, “mong muốn tốt đẹp” của người lớn lại tạo ra áp lực không đáng có cho con em mình và cho cả các trường học.

Ngoài chuyện học hành còn không ít nan giải thì trẻ em còn đang phải chịu tác động xấu của những vấn đề khác đó là bạo lực gia đình, bạo lực học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm, mặt trái của mạng xã hội…

Nghĩ về trẻ em hôm nay, thế hệ tương lai của đất nước để chúng ta càng thấy trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất luôn là mục tiêu không có điểm dừng. Điều này cần sự vào cuộc tích cực hơn của cả hệ thống chính trị cùng với việc bảo đảm cho các em được ăn, học đầy đủ, cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần, thể chất của trẻ; cần ưu tiên phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em…

Một điều đáng lưu ý là không ai bảo vệ các em tốt hơn là chính gia đình. Vì vậy, mỗi gia đình phải tự trang bị những kỹ năng về chăm sóc và bảo vệ con em mình.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...