Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kết hợp nông nghiệp và du lịch

Cập nhật: 09:29 ngày 28/05/2018
(BGĐT) - Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, thắng cảnh đẹp đã và đang đạt hiệu quả bước đầu. Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, việc kết hợp nông nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm.

Lục Ngạn được mệnh danh là “đất lên hương”, “miền trái ngọt”, cây trái quanh năm, mùa nào thức ấy, là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức lễ hội trái cây.

Những năm gần đây khách thập phương đến Lục Ngạn rất đông để giao thương và tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất là chính còn khách đến du lịch khám phá, trải nghiệm rất ít.

Tương tự, các loại nông sản khác của Bắc Giang nổi tiếng cả nước như na, dứa, nhãn, hạt dẻ (Lục Nam); vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức (Tân Yên); gà đồi, chè bản Ven (Yên Thế). Các sản phẩm làng nghề như mỳ Chũ (Lục Ngạn); bánh đa Kế (TP Bắc Giang); rượu làng Vân, bánh đa nem Thổ Hà (Việt Yên) cũng nức tiếng gần xa.

Một số đoàn khách trong và ngoài nước đã đến tham quan, du lịch ở các địa chỉ trên nhưng doanh thu du lịch còn bé nhỏ so với tiềm năng.

Nguyên nhân là do hoạt động du lịch kết hợp với nông nghiệp và ý thức phát triển dịch vụ du lịch của người dân còn hạn chế. Hỏi một người dân ở làng bánh đa nem Thổ Hà là sao các hộ không liên kết phát triển du lịch để có thêm nguồn thu thì được nghe trả lời rằng chúng tôi làm ra sản phẩm hiện không đủ bán và có thu nhập đều đều rồi nên chẳng để ý làm cái gì khác.

Câu trả lời này cho hiểu một vấn đề là dù có giàu tiềm năng về du lịch đến đâu nhưng tự người dân khó mà tổ chức được, do vậy cần sự hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp để liên kết họ lại mới có thể làm được. Và nếu không được tổ chức một cách bài bản thì cũng dễ rơi vào kiểu làm “ăn xổi ở thì” thiếu bền vững.

Trong khi tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn là nỗi lo canh cánh của người sản xuất thì việc kết hợp nông nghiệp với du lịch như một mũi tên trúng nhiều đích.

Đó sẽ là kênh rất quan trọng để giới thiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường.

Khách du lịch được khám phá, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản ngay tại nơi sản xuất mà họ hài lòng thì chính đấy là người quảng cáo miễn phí và hiệu quả nhất.

Cùng với quan tâm tổ chức sản phẩm du lịch ở những làng nghề, vùng nông nghiệp trọng điểm thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên khuyến cáo hộ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Một cảnh báo cấp độ cao cho môi trường đất và nước ở những vùng chuyên canh trồng cây ăn trái là người dân còn lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… Khách du lịch mà gặp phải cảnh này thì chắc chắn sẽ “một đi không trở lại”.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...