Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhân tài đi đâu?

Cập nhật: 09:36 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - 40 nhân tài ở TP Đà Nẵng - một TP được coi là đáng sống và đi đầu trong chính sách thu hút nhân tài vừa đồng loạt xin thôi việc. Câu chuyện không chỉ của riêng 40 cán bộ này và cũng không phải của riêng Đà Nẵng mà rất đáng suy ngẫm cho các địa phương khác.

Từ năm 2006, Đà Nẵng đã triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc cử hàng trăm lượt học viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài. Đến nay, 460 người tham gia đã tốt nghiệp, trong đó 375 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Số kinh phí mà TP dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao này lên tới gần 1 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, mới đây, 93 người đã xin rút khỏi đề án, trong đó có 40 người xin ra khỏi biên chế khi đã được bố trí việc làm; nhiều người phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian cống hiến 7 năm như cam kết với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Vì đâu mà 40 nhân tài, được học hành bài bản và theo chương trình đề án ở Đà Nẵng lại chấp nhận bỏ việc, bồi hoàn kinh phí để ra khỏi biên chế? Lý do thì nhiều, mỗi người mỗi hoàn cảnh song quan trọng nhất, theo họ, đó là dù đã được bố trí công việc, có môi trường làm việc song cơ hội thăng tiến ít, khó nắm giữ được các vị trí quan trọng nên họ đành… bỏ cuộc, ra ngoài làm kinh tế.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về sự việc này, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết, tới đây sẽ giao cho Ban Tổ chức, Bộ Nội vụ và Ban Công tác đại biểu xây dựng đề án theo hướng để cán bộ, công chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp chung. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định, để thu hút nhân tài, ngoài bố trí đúng người đúng việc, chúng ta phải tạo cho được môi trường để họ phát huy năng lực, sở trường của mình và phải luôn theo dõi, tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ họ. Cùng đó, phải có chính sách tạo điều kiện, đề bạt, bổ nhiệm, thậm chí cả chính sách về lương bổng, thu nhập.

Không chỉ Đà Nẵng, nhiều tỉnh, TP trong cả nước cũng có nhiều ưu đãi, chính sách thu hút nhân tài như hỗ trợ về nhà ở; cử đi học tập ở nước ngoài; tuyển thẳng những người có văn bằng đạt loại giỏi ở một số trường đại học công lập uy tín; thưởng tiền cho cán bộ đi học nâng cao trình độ, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ…

Mặc dù vậy, theo một số cán bộ trẻ, đấy mới chỉ là cái hấp dẫn ban đầu, còn về lâu dài, để giữ chân người tài, họ muốn được giao việc làm phù hợp với sở trường, sở đoản, có môi trường làm việc tốt để được cống hiến và phát huy năng lực. Một vấn đề quan trọng không kém, đó là được nhìn nhận, đánh giá, cân nhắc đề bạt bổ nhiệm và có thu nhập thỏa đáng để họ yên tâm công tác, không phải xin thôi việc bất đắc dĩ như 40 cán bộ ở Đà Nẵng vừa nêu.

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...