Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điệp khúc “giải cứu nông sản”

Cập nhật: 19:00 ngày 23/05/2018
Vậy là mới đây, nhiều người lại chung tay giải cứu dưa hấu Quảng Nam. Lý do là giá nông sản này giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 1.000/kg khi đang vào vụ thu hoạch làm nông dân lỗ nặng. Sản lượng dưa tồn, khó tiêu thụ lên đến 1.300 tấn. Bởi vậy, đích thân ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã viết thư gửi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kêu gọi mua dưa hấu ủng hộ nông dân. 

Chia sẻ khó khăn đó, một nhóm đồng hương, trong đó có anh Hoàng Nhật Nguyên, Giám đốc điều hành hệ thống cửa hàng FM STYLE đã tổ chức "giải cứu" được hơn 200 tấn dưa hấu cho nông dân với giá 4.000 đ/kg. Nhiều siêu thị cũng vào cuộc cứu nông sản này với thông điệp "Mỗi trái dưa, triệu tấm lòng"…

Đây không phải lần đầu tiên có nông sản phải giải cứu. Trước đó, sản phẩm củ cải trắng của nông dân huyện Mê Linh - Hà Nội cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ. Nhiều siêu thị đã thu mua và bày bán ở khu vực miền Bắc với giá hỗ trợ cho nông dân là 3.900 đồng/kg. Chỉ 2 tuần sau đó, giá của củ cải trắng đã ổn định và người nông dân tránh được tình cảnh thua lỗ.

Thời gian qua đã có một số chương trình giải cứu khác như hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho nông dân (tháng 5-2017), chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi (tháng 4-2017), bán chuối già hương không lãi hỗ trợ nông dân Đồng Nai (tháng 3-2017…

Tỉnh Bắc Giang cũng có không ít nông sản hàng hóa như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, dưa-dứa Lục Nam, chăn nuôi lợn tại Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, cây có múi ở một số địa phương...Năm ngoái, nằm trong tình trạng chung của cả nước-giá thịt lợn xuống rất thấp khiến không ít hộ gia đình, trang trại lao đao. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia thu mua, tiêu thụ thịt lợn nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân. Đối với một số sản phẩm khác như chanh đào, bưởi Diễn, cam cũng đã xảy ra tình trạng khó tiêu thụ, giá giảm đáng kể bởi diện tích tăng quá nhanh.

Có một thực tế là nhiều nông sản hàng hóa của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Khi quốc gia này ngừng hoặc hạn chế thu mua, giá nông sản Việt Nam lập tức sụt giảm, tiêu thụ hết sức khó khăn. Và khi đó, chính quyền, ngành chức năng lại kêu gọi “giải cứu”. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tình thế và không bền vững bởi việc kêu gọi dùng nhiều sản phẩm này sẽ làm giảm việc sử dụng nông sản khác (nôm na là đẩy việc khó tiêu thụ từ sản phẩm này sang sản phẩm khác). Vì vậy, giải pháp lâu dài trong trồng trọt, chăn nuôi là xây dựng quy hoạch sản xuất phù hợp gắn với phát triển theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để nâng cao quy mô vùng sản xuất. Người nông dân cần nắm bắt đầy đủ thông tin dự báo cũng như xu hướng thị trường trước khi sản xuất, đồng thời áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến nâng cao chất lượng sản phẩm để từng bước xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Chính quyền, ngành chức năng làm tốt vai trò định hướng, khuyến cáo nông dân không sản xuất theo phong trào, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...