Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vì sự an toàn của người bệnh

Cập nhật: 08:51 ngày 18/05/2018
(BGĐT) - Dư luận đang hướng về phiên tòa xét xử vụ án gây rúng động giới y khoa cả nước làm 8 người chết khi chạy thận. Từ vụ án này không chỉ các thầy thuốc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình mà của nhiều bệnh viện khác rút ra được bài học đáng giá vì sự an toàn cho người bệnh.

Ba bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh phải hầu tòa về tội “Vô ý làm chết người”; Trần Văn Sơn, cán bộ phòng vật tư và Hoàng Công Lương, bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Hòa Bình bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân là do Quốc và Sơn là những người có trách nhiệm sửa chữa, giám sát chất lượng hệ thống lọc nước RO. Quốc sử dụng hóa chất Axít để sục rửa, hai đầu ống cấp nước vào máy chạy thận không được sục xả vệ sinh nên tồn dư hóa chất. Sau khi sửa chữa, khử trùng hệ thống lọc nước, Quốc không kiểm định mẫu nước nhưng vẫn bàn giao thiết bị cho bệnh viện đưa vào sử dụng. Dù không theo dõi quá trình sửa chữa nhưng Sơn thông báo về bệnh viện, nói hệ thống đã sử dụng bình thường.

Vì lý do trên mà Vụ pháp chế (Bộ Y tế), Hội Thầy thuốc trẻ và dư luận đều cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội. Tại phiên tòa bác sĩ Lương cũng cho rằng được điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường và trách nhiệm nhận trang thiết bị dùng cho đơn nguyên thận thuộc bộ phận hành chính hoặc điều dưỡng, không phải của mình. Tức là bác sĩ Lương ra y lệnh và tin tưởng rằng máy chạy thận đã bảo đảm chất lượng.

Quan sát vụ việc có thể nhận thấy quy trình vận hành máy móc an toàn của bệnh viện này còn “lỗ hổng”. Câu hỏi đặt ra là khi máy lọc thận do thợ sửa thiếu trách nhiệm, không có chuyên môn thì người bác sĩ điều trị phải làm gì để phát hiện ra? Có cách nào để giúp bác sĩ có thể tự mình kiểm tra để bảo đảm máy móc và dụng cụ y tế trước khi dùng cho người bệnh có chất lượng tốt và an toàn, ví như sau mỗi lần sửa chữa có cần thiết phải chạy thử nghiệm? Nếu không phải là bác sĩ thì ai sẽ phải thay họ làm việc này vì tính mạng của người bệnh, như trong trường hợp trên khi cán bộ vật tư nói máy đã vận hành bình thường liệu đã có thể yên tâm tuyệt đối để bác sĩ ra y lệnh?

Được biết, bác sĩ Lương có đơn gửi Thủ tướng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của bác sĩ trong sự cố y khoa nói trên và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo chuyển đơn đến TAND tỉnh Hòa Bình để xem xét, giải quyết theo đúng quy định; bảo đảm việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Dư luận mong muốn rằng phiên tòa sẽ xét xử nghiêm những người làm ẩu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng song rất cần các cơ quan có trách nhiệm liên quan mổ xẻ vấn đề này để tìm ra những khiếm khuyết của quy trình kiểm soát chất lượng máy móc, thiết bị y tế bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, làm bài học chung cho nhiều bệnh viện khác.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...