Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đất rừng không bình yên

Cập nhật: 11:15 ngày 17/05/2018
(BGĐT) - Liên tiếp xảy ra các vụ tranh chấp đất rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đó là tranh chấp giữa các lâm trường, doanh nghiệp với hộ dân, giữa các hộ dân với nhau làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở cơ sở.

Mới đây nhất là vụ tranh chấp đất rừng xảy ra ở bản Quảng Hái Hồ, xã Vô Tranh (Lục Nam) giữa hộ ông Nguyễn Xuân Hòa và hộ ông Trần Xuân Sơn. Diện tích đất rừng này do hộ ông Hòa ký hợp đồng khoán đất, khoán rừng với Lâm Trường Mai Sơn và trong thời gian dài có tranh chấp với hộ ông Sơn nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Khi hộ ông Sơn đưa máy xúc vào phá cây của hộ ông Hòa thì hai bên xảy ra xô xát làm 4 người bị thương phải đưa đi bệnh viện điều trị.

Tại huyện Yên Thế, trong khi nhiều vụ tranh chấp đất rừng đang được tòa án thụ lý giải quyết thì tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng tiếp tục xảy ra ở các xã: Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Tiến, Tiến Thắng, Xuân Lương, Đồng Sơn… với diện tích tranh chấp, lấn chiếm gần 500 ha. Trong đó, Lâm trường Đồng Sơn có diện tích bị lấn chiếm khoảng 400 ha.

Ngoài ra, các huyện Lục Ngạn, Sơn Động là những địa phương khá "nóng" về vấn đề chặt, phá rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế.

Kinh tế rừng khởi sắc, thu nhập từ rừng khá cao là nguyên nhân khiến một số hộ dân xâm lấn đất rừng. Các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất buông lỏng quản lý. Việc giao đất cho doanh nghiệp có sự chồng chéo lên diện tích đất người dân canh tác từ lâu...

Mốc giới giữa các lô đất rừng được xác định theo khe, rông tự nhiên. Nhiều hộ sau khi nhận đất không phân định đường ranh giới liền kề. Cá biệt có gia đình được cấp đất nhưng sơ đồ bản vẽ kèm theo không đúng với thực địa, nhầm số lô nên tự ý chỉnh sửa...

Việc giải quyết các vụ tranh chấp đất rừng nhìn chung rất chậm do hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và nhiều hộ dân còn hạn chế, việc thiết lập hồ sơ khởi kiện chậm, chưa đúng trình tự tố tụng dẫn đến các vụ kiện phải tạm dừng giải quyết nhiều lần. Công tác giải quyết, trả lời đơn thư của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời; một số xã chưa chủ động giải quyết các vụ việc tại cơ sở dẫn đến các vụ kiện kéo dài, phức tạp.

Việc bảo đảm an ninh trật tự của chính quyền một số xã chưa tốt khiến các vụ chặt cây, lấn chiếm đất thường xuyên xảy ra; có trường hợp coi thường pháp luật, tự dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp bằng bạo lực. Như vụ việc ở xã Vô Tranh nêu trên, hộ ông Sơn đã thuê người từ Quảng Ninh mang máy xúc đến phá cây rừng của hộ ông Hòa dẫn đến xô xát nghiêm trọng.

Nhằm “hạ nhiệt” các vụ tranh chấp đất rừng, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở cần tích cực vào cuộc hơn nữa, chú trọng việc hòa giải tại cơ sở. Trong thời gian đang xử lý các tranh chấp, yêu cầu các đương sự phải giữ nguyên hiện trạng tài sản tranh chấp. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm cần thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý hành chính, hình sự để đủ sức răn đe.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...