Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý người tâm thần

Cập nhật: 08:45 ngày 15/05/2018
(BGĐT) - Tình trạng người tâm thần gây án thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, là nỗi ám ảnh với nhiều người, trong khi đó hoạt động quản lý người tâm thần trong cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Mới đây, anh Nguyễn Văn Thiệu ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) đang ngồi trong nhà thì bất ngờ bị Nguyễn Văn Lực (là người tâm thần) xông vào đâm trọng thương, anh Thiệu cướp được dao đâm lại Lực khiến cả hai đều bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Đáng lưu ý, một thời gian dài Lực thường cầm dao nhọn đi đến các thôn trong xã dọa nạt khiến nhiều người lo sợ. Sự việc đã được báo chính quyền để có biện pháp quản lý nhưng chưa được thực hiện.

Trước đó, cũng ở xã Xuân Hương, người có biểu hiện tâm thần từ hơn 20 năm nay là Dương Minh Sơn chỉ vì xích mích chuyện mua con gà làm đám giỗ mà đã dùng búa đánh em trai và người hàng xóm tử vong. Sơn đã nhiều lần được gia đình đưa đi khám, giám định sức khỏe nhưng cứ đến bệnh viện người đàn ông này lại đòi về.

Trên địa bàn tỉnh, số vụ trọng án do người tâm thần là thủ phạm không ít, còn tìm cụm từ “người tâm thần gây án” trên Google thì chưa đầy một phút đã hiện hơn 6,3 triệu kết quả. Đã có hàng trăm bài báo viết về tình trạng người tâm thần gây án và đề xuất các giải pháp quản lý người tâm thần nhưng trên thực tế vấn đề này vẫn chưa được chính quyền, cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội quan tâm đúng mức và chưa có giải pháp hữu hiệu.

Hiện nay, ở khu vực Quảng trường 3-2, Công viên Hoàng Hoa Thám vẫn thường xuyên xuất hiện một thanh niên to cao hay trêu ghẹo, gây gổ với người dân, lực lượng công an đã có lúc bắt rồi lại thả vì anh ta là người tâm thần.

Theo các chuyên gia, bệnh tâm thần rất đa dạng và mức độ bệnh cũng khác nhau, do đó việc phát hiện ra một người bị mắc bệnh tâm thần không dễ dàng. Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi, có người mất một vài năm nhưng có người phải điều trị suốt đời.

Trên thực tế có nhiều người bị tâm thần, thậm chí mức độ nặng nhưng không được gia đình cho đến bệnh viện chữa trị, vẫn để họ sống chung cùng gia đình như vậy rất nguy hiểm. Người tâm thần thường dễ bị kích động, dễ gây những hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh.

Thông thường, để đánh giá mức nguy hiểm của bệnh người ta thường căn cứ vào nguy cơ mà người đó gây nguy hiểm cho bản thân và cho xã hội. Nguy hiểm cho bản thân là tự sát hoặc tự gây thương tích. Nguy hiểm cho xã hội là hành vi bạo lực, giết người hoặc phá hoại tài sản...

Nhằm giảm những hệ lụy do người tâm thần có thể gây ra trong đời sống cộng đồng và bản thân họ, các chuyên gia khuyến cáo, tất cả người tâm thần cần được tuân thủ chặt chẽ việc duy trì chữa trị, tránh tái phát. Ngoài ra cần có môi trường sống tốt cho bệnh nhân, tránh các sang chấn tâm lý, một chế độ sinh hoạt, luyện tập, tạo công ăn việc làm phù hợp. Muốn làm tốt điều này cần có sự phối hợp của bệnh viện, gia đình, cơ quan, chính quyền và nhiều tổ chức, cá nhân khác mới đem lại hiệu quả.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...