Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đi tìm nét riêng

Cập nhật: 15:13 ngày 08/05/2018
(BGĐT) - Tại buổi giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2015- 2017), nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta chưa có nhiều mô hình làng văn hóa điển hình và nếu có, cũng chưa có điểm nhấn. Làm gì để có nét riêng cho làng văn hóa là điều không dễ.

Tân Yên là địa phương được đánh giá thực hiện khá tốt phong trào này với 292 thôn, khu phố được công nhận làng văn hóa cấp huyện và 8 làng văn hóa điển hình. Đi đôi với việc tôn vinh, công nhận, huyện có cơ chế khuyến khích thỏa đáng cho các làng văn hóa điển hình với số tiền thưởng 50 triệu đồng/làng. 

Thôn Non Dài (xã Quang Tiến) và thôn Đồng Sen (xã Việt Lập) là hai thôn vừa được công nhận làng văn hóa điển hình năm 2017. Ở các thôn này, người dân đa phần có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa; việc cưới đơn giản, gọn nhẹ; việc tang không còn thủ tục ăn cỗ, chèo đò; tình làng nghĩa xóm gắn bó…

Tuy nhiên, khi đến làng, để biết đây có phải làng văn hóa điển hình hay không thì rất khó để nhận biết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh khi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh thẳng thắn chia sẻ: “Tiêu chí xét công nhận làng văn hóa vẫn còn hình thức. Dù đã xây dựng được điển hình nhưng đến nơi phải thuyết minh mới biết đây là làng văn hóa thì không phải. Làng văn hóa tiêu biểu phải có sự nhận diện, nét riêng để đến một cái, ai cũng có thể cảm nhận được ngay”. 

Thực tế ở nhiều nơi có cách làm sáng tạo để tìm ra nét riêng, không pha trộn với các làng văn hóa khác. Ngoài các tiêu chí “cứng” như kinh tế phát triển, an ninh trật tự ổn định, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên…, nhiều nơi phát động bà con thi đua trồng các hàng rào sinh thái, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp và rất riêng biệt. Có nơi trồng hàng rào râm bụt, nơi trồng cây xanh; điểm xuyết với đó là những rặng tre, cây đa bến nước…

Bắc Giang đang có phong trào thi đua của hội phụ nữ các cấp trồng hoa ven đường. Nếu nhân rộng và làm có hiệu quả mô hình này, chúng ta sẽ có những đường hoa đa sắc, tô điểm thêm cho đường làng, góp phần nhận diện nét riêng của mỗi làng văn hóa.

Ai cũng có quê hương, làng bản và càng tự hào hơn khi quê mình được công nhận làng văn hóa. Đặc biệt, mỗi khi về quê, về tới cổng làng, khi làng mình có nét văn hóa riêng thì đó lại càng là điều tuyệt vời và đáng tự hào.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...