Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trang phục đi lễ

Cập nhật: 07:00 ngày 03/03/2018
(BGĐT) - Đầu xuân là dịp cao điểm người Việt đi lễ đền, chùa cầu tài lộc, bình an, sức khỏe. Thế nhưng ở nơi tôn nghiêm ấy lại xuất hiện không ít hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa, một trong số đó là trang phục của khách hành hương.

Cuối tuần qua, anh bạn tôi đi lễ ở đền Cửa Ông về tấm tắc khen sự khang trang, ấn tượng của di tích. Khách đến hành lễ rất đông nhưng không thấy hiện tượng chen lấn, xô đẩy; không thấy rác thải bừa bãi… Đáng chú ý, bên trái lối vào có một tấm biển ghi dòng chữ khá bắt mắt với nội dung “Nơi thay trang phục đi lễ”. Một chi tiết nhỏ song góp phần làm tăng thêm sự tôn nghiêm cho di tích.

Nghe lời anh bạn, soi chiếu với thực tế nhiều di tích thì thấy hiển hiện những cái cần bàn. Dù một số di tích có biển đề nghị du khách đi nhẹ nói khẽ, ăn mặc kín đáo, lịch sự nhưng không ít người, nhất là nữ giới trẻ vẫn diện những bộ đồ xuyên thấu, mặc váy quá ngắn, quần áo quá bó sát người, rất phản cảm. Mới đây, cộng đồng mạng bức xúc bởi một số hình ảnh chị em ăn mặc hở hang đi lễ chùa. Sau khi đăng tải lên facebook, chùm ảnh nhận được hàng trăm ý kiến phản đối.

Có câu "y phục xứng kỳ đức", nghĩa là mỗi người ăn mặc sao cho phù hợp với không gian, hoàn cảnh cụ thể. Thật tiếc, trước những ý kiến phản đối, không ít bạn trẻ còn bao biện cho cách thể hiện của bản thân đại ý như cần tôn trọng cá tính mỗi người; mặc thế du xuân kết hợp hành lễ cho thoải mái; rồi có quy định việc ăn mặc thế nào khi đi lễ đâu mà phải tuân theo... Lý giải nguyên nhân, có ý kiến cho rằng vì người trong cuộc không biết hành vi đó trái với chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, không phù hợp với không gian văn hóa công cộng, nhất là chốn linh thiêng như đền, chùa, miếu mạo; không ít bạn trẻ bị lệch lạc về quan niệm sống, thiếu hiểu biết xã hội, cho rằng việc gì mình thích thì có quyền làm mà không cần quan tâm đến phản ứng của người khác…

Ăn mặc là quyền của mỗi người song phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể để lựa chọn trang phục phù hợp. Đền, chùa là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh, trang phục không phù hợp không những xúc phạm người khác mà còn thiếu tôn trọng bản thân. Các ban quản lý di tích cũng nên có lưu ý cụ thể đối với người hành lễ. Lâu nay, ở nhiều nơi mới quan tâm nhắc du khách bảo quản tài sản, không thắp hương trong di tích, trong khi việc đi lại, trang phục, ăn uống, cách hành lễ dường như bỏ ngỏ. Vẫn biết, để tạo lập không gian văn hóa tại các di tích cần nhiều yếu tố, trong đó có nhận thức, ý thức của mỗi cá nhân song một lời nhắc nhỏ nhẹ, thiết thực của người có trách nhiệm cũng có tác dụng điều chỉnh hành vi của nhiều người. Có như thế mới không còn những trang phục phản cảm khi đi lễ, ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm của di tích. 

Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...