Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Được mùa, rớt nước mắt

Cập nhật: 09:22 ngày 28/02/2018
(BGĐT) - Sau Tết, đi chợ mua rau mà xót xa thương bà con nông dân. Hai nghìn một củ su hào to đại, 5 nghìn mua được cây bắp cải cầm nặng chịch tay; rau cải làn 2 nghìn/bó, cà chua 5-8 nghìn đồng/kg. Đặc biệt hoa ly - thứ hoa vẫn được cho là cao cấp trước Tết 50 nghìn/cành giờ giảm xuống cả chục lần, 5 nghìn mà không ai mua, nhiều nơi bỏ héo ở ruộng.

Nhiều người lý giải, vì trước Tết thời tiết rét nên hoa ly chưa ra hoa. Sau Tết trời ấm, hoa mới “bung lụa” nhưng lúc này hoa cười người mếu vì bán cho ai, ai trưng hoa nữa? Trong khi giá một củ hoa ly mua vào đã 15-20 nghìn đồng, chưa kể công chăm sóc, phân bón, giờ bán vài nghìn /cành thì bảo sao người không héo.

Còn nhiều thứ nông sản rau củ quả khác xuống giá một cách thảm hại. Bán cả gánh rau, bà con thu về cũng chỉ được bằng vài bát phở điểm tâm sáng của người thành phố nhưng “bỏ thì thương, vương thì tội”, đành lấy công làm lãi, được ít nào hay ít đấy.

Trả lời báo chí, có cán bộ đổ lỗi cho nông dân chạy theo xu hướng số đông, thấy cái lợi trước mắt là làm chứ không tính đến thị trường, xem giá cả tới đây như thế nào hoặc không chịu tuân theo quy hoạch vùng dẫn đến cung vượt cầu, đơn độc trong khâu tiêu thụ...

Câu hỏi đặt ra là quy hoạch vùng rồi nghiên cứu thị trường có phải là việc và là sở trường của bà con nông dân không hay việc họ giỏi nhất từ bao đời nay là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ biết sản xuất mà thôi. Hơn ai hết, nông dân rất cần những thông tin về thị trường, định hướng phát triển để biết đường đầu tư cho đúng, trúng.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai rộng khắp từ trung ương tới các địa phương nhưng những giải pháp hữu hiệu để giải bài toán được mùa rớt giá; trồng rồi chặt; giải cứu nông sản, dưa hấu, thịt lợn... vẫn còn bỏ ngỏ thì nông dân vẫn khổ, nghèo lại hoàn nghèo.

Chúng ta cũng nói nhiều về liên kết 4 nhà, về việc hai nhà quan trọng số một là Nhà nước và nhà kinh doanh, sau mới tới nhà khoa học, nhà làm vườn. Nói vậy để thấy nhà làm vườn, người nông dân muôn đời chỉ biết sản xuất; nếu không có sự định hướng căn cơ thì lại luẩn quẩn vào vòng “được mùa rớt giá”.

Ở tầm vĩ mô, hơn 80% dân số nước ta làm nông nghiệp; ở tầm địa phương, Bắc Giang là tỉnh nông nghiệp, nhân chuyện “giải cứu” rau xanh, hoa ly đầu năm, rất mong sẽ có một động lực mới để câu chuyện giải cứu sẽ bớt đi trong năm Mậu Tuất và cả thời gian tiếp theo.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...