Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nên hay không đốt vàng mã?

Cập nhật: 08:50 ngày 26/02/2018
(BGĐT) - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Công văn nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".

Đây là nội dung không mới bởi theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ nhiều năm qua, đến mỗi mùa lễ tết và lễ Vu lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có công văn khuyên dạy phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã.

Người Việt Nam thường quan niệm, sau khi chết đi, con người cũng có một đời sống, một nhu cầu như khi đang ở dương thế, nghĩa là “dương sao, âm vậy”. Từ suy nghĩ này nên nhiều gia đình có điều kiện sắm đủ thứ vàng mã như nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, thậm chí cả hình nhân thế mạng... để đốt cúng cho người đã mất, những mong tai qua nạn khỏi, được phù hộ độ trì...

Thực tế theo đạo Phật, việc làm này đang bị lạm dụng như một sự mê tín và nói như Thượng tọa Thích Đức Thiện nhắn nhủ: "trong đạo Phật không có chuyện đốt vàng mã. Ông bà, tổ tiên không nhận được những cái chúng ta đốt đi”.

Nên hay không nên đốt vàng mã? Tất nhiên đây mới chỉ là công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng rất đáng để suy ngẫm. Vẫn biết tục đốt vàng mã ở nước ta đã có từ lâu đời và trở thành nét văn hoá song với việc bị lạm dụng và thái quá như  một số người đã làm thì thật không nên.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ, ước tính mỗi năm người Việt đốt khoảng 50 nghìn tấn vàng mã, tương ứng với việc tiêu tốn khoảng 400 tỷ đồng. Chưa kể, việc đốt vàng mã không đúng nơi quy định, cẩu thả, không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây nên hoả hoạn, cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Với tinh thần công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hy vọng sẽ được các cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm bằng việc nhắc nhở, hướng dẫn người dân không mang theo vàng mã và không đốt hoá vàng mã tuỳ tiện. Còn với người dân, bằng việc luận giải khoa học và khuyên nhủ của đạo Phật, mỗi người sẽ có cách ứng xử đúng mực với việc đốt vàng mã; bởi không phải cúng nhiều, lễ nhiều và hóa vàng nhiều là sẽ được toại nguyện, nếu mỗi ngày, mỗi người không hướng đến việc thiện, làm việc thiện thì chả có trời phật nào phù hộ cả.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...