Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cử nhân thất nghiệp

Cập nhật: 08:57 ngày 28/12/2017
(BGĐT) - Vấn đề thất nghiệp không kể nước giàu, nước nghèo mà quốc gia nào cũng là điều nan giải. Thế nhưng, đa số trường hợp thất nghiệp lại rơi vào thanh niên và người có trình độ cao như ở nước ta lại là chuyện hiếm.

Bản tin Cập nhật thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) quý III-2017 mới công bố số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” tăng mạnh so với quý II.

Cụ thể, số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 237 nghìn người (trong tổng số 610,9 nghìn lao động thanh niên thất nghiệp), tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017. Trong khi đó nhóm có trình độ "cao đẳng", "trung cấp" tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm.

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH cho rằng quý II, quý III là thời điểm sinh viên đại học các trường đồng loạt tốt nghiệp. Sau khi ra trường, các cử nhân thường phải mất thời gian tìm việc hay trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, số lượng lao động có bằng cấp nhưng thất nghiệp tăng lên  là điều bình thường.

Tuy nhiên, phân tích của chuyên gia về nhân sự doanh nghiệp cho thấy xét về nhu cầu thực tế thì hiện nay người tốt nghiệp đại học đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tìm việc.

Chẳng hạn kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành về kỹ thuật cơ khí khi được tuyển dụng vào công ty sản xuất máy cơ khí đôi khi không phải để chế tạo ra cái máy mà đi bán máy, bảo dưỡng, chăm sóc khách hàng... Cho nên, kỹ sư này cần phải có thêm kiến thức về marketing, bán hàng... để bổ trợ thêm cho vị trí nghề nghiệp.

Hoặc một cử nhân tốt nghiệp ngành phát triển thị trường vẫn cần bổ trợ thêm kiến thức về truyền thông, kỹ năng viết, thiết kế cơ bản mới đủ để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang thay đổi rất nhanh theo xu hướng đa ngành. Nếu chỉ biết một chuyên ngành thì khả năng tìm việc trên thị trường lao động sẽ khó.

Như vậy có thể thấy cử nhân thất nghiệp nhiều chủ yếu do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Thiệt thòi chính thuộc về bản thân cử nhân và gia đình họ. Có khi là sự thất vọng của cha mẹ, người thân của cử nhân. Về vấn đề này, có ý kiến viết trên Facebook:"12 năm trời học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học rồi thất nghiệp trong khi đại khủng hoảng kinh tế không nổ ra thì lỗi ở ai?". Đồng thời đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh:"Hãy lắng nghe con, học cùng con để học đúng thực chất, đọc sách, trải nghiệm, khám phá thế giới, luyện tập thể thao, viết... là cách để con cái trưởng thành".

Từ thực tế yêu cầu của thị trường lao động, các chuyên gia tuyển dụng cũng đưa ra một số cách kết hợp tiêu biểu cho sinh viên như sau: Ngành quản trị nhân sự cần bổ trợ thêm về tâm lý học, quản trị kinh doanh cần bổ trợ kỹ năng đàm phán, kỹ sư cần bổ trợ kiến thức quản lý dự án,  ngành luật thì bổ trợ kiến thức xã hội học. Đối với các ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học nên học ngành phụ bất kỳ về môi trường, hóa chất, kỹ thuật điện...

Vấn đề cử nhân thất nghiệp không mới nhưng tiếp tục là khuyến cáo cho mỗi gia đình, mỗi thanh niên và toàn xã hội cần có sự thay đổi về giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp để bắt nhịp với thực tiễn phát triển và hội nhập hiện nay.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...