Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chất lượng nhân lực

Cập nhật: 11:01 ngày 11/12/2017
(BGĐT) - Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII vừa kết thúc, vấn đề lao động, việc làm được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Một trong những giải pháp chủ yếu tháo gỡ cho vấn đề này là nâng cao chất lượng nhân lực.

Hiện tượng lao động trung tuổi "bỗng dưng" mất việc làm và dự báo còn gia tăng trong thời gian tới; sự chuyển dịch lao động diễn ra theo xu hướng không hợp lý, lao động trong các doanh nghiệp chủ yếu làm công việc giản đơn, gia công, phần lớn là trẻ tuổi, nữ giới... đây là những yếu tố không bền vững trong giải quyết việc làm, tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có 16,5% lao động trình độ tay nghề cao (từ trung cấp trở lên), trong khi bình quân cả nước 21,5%.  Công tác đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của các thành phần kinh tế;  công tác phân luồng học sinh sau trung học nhiều năm qua vẫn yếu kém, chưa khắc phục được tâm lý sính bằng cấp, coi nhẹ học nghề trong xã hội.

Trong đào tạo nghề còn tình trạng "học chưa đi đôi với hành"; tình trạng thiếu hụt giáo viên dạy nghề có khả năng dạy cả lý thuyết và thực hành vẫn phổ biến tại hầu hết các cơ sở dạy nghề, nhiều trường không tuyển sinh được nên số giáo viên dôi dư khá nhiều; thiết bị dạy nghề thiếu, lỗi thời, thậm chí không sử dụng được trong đào tạo thực hành.

Giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học. Trên cơ sở đó, các địa phương và các ngành đề xuất nhu cầu và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Đây là giải pháp mang tính đột phá, vì nó có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo.

Cần tiếp tục đổi mới chính sách đầu tư cho công tác dạy nghề theo hướng giảm dần bao cấp; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, xã hội đầu tư vào đào tạo nghề. Trước mắt, có chính sách hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng khuyến khích người học, người dạy và người sử dụng lao động công nhân có tay nghề; tạo động lực để lao động tích cực học tập nâng cao tay nghề, phấn đấu, học tập suốt đời.

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế là hai nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập về lao động, việc làm thời gian qua. Do vậy, thời gian tới cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo. Cùng đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm đủ độ tin cậy; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật về lao động. Có biện pháp để cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên thu nhận thông tin phản hồi về mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với “sản phẩm” của các cơ sở đào tạo.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...