Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắt đầu từ tình thương

Cập nhật: 07:00 ngày 02/12/2017
(BGĐT) - Trên nhiều tuyến đường từ đô thị đến nông thôn hiện vẫn treo những  băng zôn tuyên truyền về Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25-11). Tuy vậy, chính trong dịp này, dư luận cả nước chấn động bởi phương tiện truyền thông đưa tin về nhiều vụ bạo hành, phạm tội đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái gây hậu quả nghiêm trọng.

Tối 22-11, một người mẹ trẻ ở tỉnh Hà Nam đăng clip tố cáo người giúp việc đánh vào đầu, vào mặt, tung hứng bé gái mới sinh được một tháng 17 ngày. Ngay sau đó, đối tượng này đã bị bắt khẩn cấp và khởi tố với tội danh hành hạ người khác.  Tại cơ quan điều tra, người giúp việc khai nhận vì cháu bé khóc, không dỗ được nên đã đánh cháu. Vài ngày sau, báo Tuổi trẻ đăng một đoạn phim quay cận cảnh 3 bảo mẫu ở TP Hồ Chí Minh  thay nhau đánh hàng chục em nhỏ từ 2-5 tuổi bằng nhiều vật dụng khác nhau. Đến lớp học, thay vì được vui chơi, chăm lo, dạy dỗ, các em ăn, ngủ trong nước mắt, đơn độc hứng chịu bao trận đòn vô cớ của những kẻ mang danh là "bảo mẫu". Nếu không có sự thâm nhập, vào cuộc đến cùng của một số nhà báo, không biết các em sẽ bị bạo hành đến bao giờ? 

Ngày 29-11, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án hành hạ người khác để điều tra việc bé  N.H.N.T (7 tuổi) có nhiều vết bỏng nặng trên người, nghi do cha và mẹ kế dùng thanh sắt nung đỏ gây ra. Xót xa, phẫn nộ và lo lắng là tâm lý chung của nhiều ông bố, bà mẹ khi biết những thông tin trên. Có người đã tính tới chuyện nghỉ việc để trực tiếp chăm con, không dám gửi con tại các nhóm trẻ tư thục hay nhờ người khác trông nom. 

Những vụ bạo hành trẻ em không phải bây giờ mới xảy ra, trong quá khứ đã có nhiều trường hợp bị phát hiện, xử lý hình sự song dường như chế tài dành cho các đối tượng này chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, không ít bảo mẫu, người giúp việc, thậm chí là người thân của trẻ vẫn có hành vi thô bạo, chỉ khi bị tố cáo với bằng chứng không thể chối cãi mới thừa nhận và tỏ ra ăn năn, hối lỗi. 

Trước những vụ việc trên, tại một số diễn đàn, hàng nghìn người đồng tình với giải pháp các cơ sở giáo dục mầm non, các nhóm trẻ muốn đi vào hoạt động phải gắn camera để chính quyền sở tại và phụ huynh giám sát hằng ngày. Song thiết nghĩ, đó chỉ là một trong những giải pháp cần thiết. Điều quan trọng là các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải giám sát việc thực thi quyền của trẻ sát sao, nghiêm túc hơn, xác định đó là việc làm hằng ngày, hằng giờ; không chỉ kiểm tra khi cấp trên chỉ đạo hoặc khi có vụ việc xảy ra ở đâu đó rồi mới đồng loạt “ra quân”. 

Bắt đầu bằng tình thương, trách nhiệm với trẻ em - thế hệ tương lai, chúng ta hãy có hành động thiết thực để mang đến cho các em cuộc sống tốt đẹp hơn; dũng cảm chia sẻ, cung cấp thông tin về những trường hợp bạo hành trẻ đến cơ quan có thẩm quyền; cùng chung tiếng nói lên án, phản đối những hành vi xâm phạm quyền của trẻ.

Mai Thy

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...