Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tri ân thầy cô

Cập nhật: 08:28 ngày 20/11/2017
(BGĐT) - Hôm nay 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ học trò, phụ huynh và cả xã hội tôn vinh, tri ân các thầy giáo, cô giáo cũng như nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Trong số một loạt hoạt động kỷ niệm ngày 20-11, chương trình “Thay lời tri ân” tôn vinh 168 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc trong toàn quốc được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam gây xúc động mạnh đối với người xem. Đó là hình ảnh những cô giáo vùng cao tỉnh Hà Giang để lại cả tuổi thanh xuân của mình nơi núi rừng; tận tuỵ bám bản, bám làng vận động từng em nhỏ đến trường, truyền cho các em con chữ. Đó là hình ảnh thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nhận cậu học trò tí hon không may mắc hội chứng Seckel (người lùn, đầu chim) làm con khiến không ít người cảm động. Hai năm tới trường sống trong tình yêu thương bao la của thầy Cương và các thầy cô, bạn bè, cậu bé 9 tuổi mang hình hài của đứa trẻ sơ sinh (cao 58 cm và nặng 3,9 kg) đã biết đọc, biết viết con chữ cơ bản và thực sự được hoà nhập, tới trường như bao đứa trẻ khác...

Không thể kể hết những tấm gương tận tuỵ, hết lòng vì học sinh thân yêu của các thầy, cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc và không chỉ có 168 thầy, cô tiêu biểu được tôn vinh lần này, trong đời thường, chúng ta vẫn bắt gặp những câu chuyện thấm đẫm tình cảm thầy trò, những cô giáo yêu nghề, yêu trò, bám trường, bám lớp.

Cách đây gần 10 năm, tôi được chứng kiến chuyện một cô giáo mầm non mới ra trường. Cô dạy hợp đồng cho lớp mẫu giáo của xã rồi lấy chồng, sinh con. Do chưa có biên chế nên lương của cô là mức thỏa thuận, rất thấp, chưa đến 1 triệu đồng/ tháng. Nhà chồng có điều kiện, muốn cô nghỉ dạy học để ở nhà kinh doanh, chăm sóc con nhưng nước mắt ngắn dài, cô một mực xin được đi dạy học và “cam kết” vẫn chu đáo việc nhà. Thấy con dâu quá yêu nghề, gia đình nhà chồng đành chấp thuận; cô tiếp tục đến lớp và hiện là giáo viên mầm non giỏi, được học sinh, phụ huynh tin yêu.

Không biết có gì “níu kéo” cô giáo mầm non ấy nhưng chắc chắn một điều, đó là tình yêu của cô với nghề quá lớn. Nhiều bạn tôi là giáo viên cũng bảo khó diễn tả cảm xúc khi thấy học trò thành công hay có khi là những đêm trắng, băn khoăn, day dứt vì hoàn cảnh éo le của một học trò nào đấy mà mình chưa làm gì giúp em được.

Nghề dạy học là nghề cao quý. Trên mạng xã hội, giữa bao câu chuyện chưa đẹp, chưa hay để câu like thì những ngày này, tràn ngập những lời chúc mừng, những hình ảnh xúc động của các cuộc hội ngộ thầy- trò “khi tóc thầy bạc”. Xin được tôn vinh và tri ân tất cả những người thầy của chúng ta nhân ngày vui 20-11 này!

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...