Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hậu kiểm hàng hóa

Cập nhật: 09:16 ngày 14/11/2017
(BGĐT) - Hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú, nhiều hình thức giao dịch thuận lợi nhưng người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng, thậm chí mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, đáng chú ý là quy định cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, thị trường hàng hóa hết sức sôi động.

Chẳng hạn quy định về yêu cầu tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định và chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm mỹ phẩm đưa ra thị trường.

Việc làm này tạo điều kiện cho doanh nghiệp đơn giản hóa hồ sơ nộp cho cơ quan quản lý, tiết kiệm thời gian để sớm đưa sản phẩm ra lưu thông. Tuy nhiên, việc hậu kiểm còn bỏ ngỏ, khiến nhiều cơ sở công bố một đằng nhưng sản xuất một nẻo.

Thực tế trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại cho thấy, do cơ sở sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm nên có nơi tung cả hàng nhái, hàng giả ra thị trường. Khi sản phẩm không bảo đảm chất lượng, chứa chất cấm bị đình chỉ lưu hành thì đã được người tiêu dùng tiêu thụ.

Tương tự như mỹ phẩm, hàng may mặc, thực phẩm chức năng, thực phẩm công nghệ, nông sản... lưu thông trên thị trường cũng rất khó kiểm soát chất lượng. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng là khó nhất. Một phần do thiếu thiết bị kiểm tra, một phần do thực phẩm chức năng thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế nên khi kiểm tra chỉ có thể tin tưởng vào giấy tờ lô hàng, nguồn gốc xuất xứ chứ không thể nhận biết chất lượng bằng cảm quan. Một vấn đề nan giải nữa là việc kiểm soát thực phẩm chức năng xách tay rất khó vì giao dịch chủ yếu trên mạng và bán chuyền tay.

Do đặc thù ở mỗi loại hình phân phối hàng hóa, việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, khâu hậu kiểm khó khăn, bị bỏ ngỏ dẫn đến thua thiệt cho người tiêu dùng. Nhiều người đi hội chợ cho biết, hàng hóa quanh đi quẩn lại cũng chủ yếu là thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, bột giặt... Bên cạnh một số mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng, không hướng dẫn sử dụng vẫn còn không ít hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc bày bán trong hội chợ.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến đề xuất các lực lượng chức năng cần tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc. Tập trung đấu tranh phòng, chống gian lận ở một số nhóm hàng hóa thiết yếu... Đối với những cơ sở kinh doanh các mặt hàng thường xảy ra sai phạm, cần yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng hóa trái phép, thường xuyên tổ chức hậu kiểm để ngăn chặn sự gian lận.

Nhằm góp phần chống hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần “nói không” với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém phẩm chất và chủ động báo cơ quan chức năng khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...