Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tăng giá trị cho nông sản

Cập nhật: 14:09 ngày 02/11/2017
(BGĐT) - Thông tin khiến người trồng vải thiều hết sức vui mừng là cơ quan chức năng của Mỹ vừa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể vải thiều Lục Ngạn. Nhãn hiệu được bảo hộ trong thời gian 20 năm. Kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ vải thiều rất cần nhân rộng cho các loại nông sản khác của tỉnh, đặc biệt là cây ăn quả.

Trước đó vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 7 quốc gia gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia. Có thể thấy thương hiệu vải thiều Lục Ngạn là một trong ít loại nông sản của Việt Nam lan tỏa nhanh ở thị trường nhiều quốc gia trong thời gian qua. Kinh nghiệm là gì?

Phát triển nông nghiệp hàng hóa nói chung, cây ăn quả và vải thiều nói riêng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều chính sách ưu đãi về vốn, trang bị kiến thức sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bắc Giang  chọn vải thiều là một trong những loại cây trồng chủ lực. Điểm nhấn quan trọng là đổi mới tổ chức sản xuất chuyển dần từ hộ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung quy mô lớn, do vậy thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trong thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ cũng được quan tâm ứng dụng công nghệ hiện đại; đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo liên kết chuỗi. Sức lan tỏa thương hiệu của vải thiều còn phải kể đến công tác tuyên truyền, trong đó các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng nhái thương hiệu vải thiều ở nước ngoài. Thế nhưng ý nghĩa lớn hơn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ là điểm xuất phát để đưa vải thiều vào những thị trường khác. Mỹ là thị trường khó tính, nếu thị trường này chấp nhận nhập thì các nước khác cũng sẽ cho nhập. Thị trường xuất khẩu được mở rộng tới nhiều quốc gia, không quá phụ thuộc vào thị trường truyền thống sẽ làm tăng giá trị nông sản, tránh tình trạng "được mùa rớt giá" như đã xảy ra với nhiều loại nông sản khác.

Bài học kinh nghiệm từ sản xuất và tiêu thụ vải thiều để chinh phục thị trường thế giới, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì yếu tố quan trọng nhất là  phải tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy,  giải pháp để sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn là cần coi trọng việc áp dụng công nghệ cao. Đầu tư hạ tầng và xử lý chất thải nguy hại để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trước, trong và sau khi thu hoạch. Đặc biệt, cần hình thành các liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu với các hợp tác xã, nông dân sản xuất nông sản an toàn.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...