Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuẩn mực công chức

Cập nhật: 09:12 ngày 23/10/2017
(BGĐT) - Sau TP Hà Nội, Cần Thơ, tới đây TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Có một điểm chung ở các bộ quy tắc này là cán bộ phải chuẩn về hình ảnh, lời nói, tác phong khi tiếp xúc với công dân.

Dù “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng rõ ràng, đến làm việc với các cơ quan nhà nước, thấy cán bộ ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, nói năng nhã nhặn, niềm nở, người dân sẽ có cảm tình và tin tưởng hơn. Ngược lại, cán bộ tiếp xúc với nhân dân ăn mặc xộc xệch, cẩu thả hoặc váy quá ngắn, quá mỏng; khi giao tiếp thì thô lỗ, cáu bẳn thì đương nhiên rất khó để đạt sự hài lòng. Chưa kể, hình ảnh cán bộ vừa giao tiếp với dân vừa đeo tai nghe, chơi điện tử hay nồng nặc hơi men, chân ghếch lên ghế thật khó chấp nhận.

Văn hóa ứng xử là thước đo sự văn minh của mỗi cán bộ công chức. Thành công hay thất bại của công sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là yếu tố con người và hành vi ứng xử văn hoá. Thời đại bùng nổ thông tin, chưa biết đúng sai, hoàn cảnh thế nào nhưng trên mạng nay “phê” chị cán bộ này cự cãi với dân, mai chị khác mặc váy che ô đi trên xuồng để dân đẩy đi giữa mưa lũ ít nhiều cũng ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của cá nhân và tổ chức.

Nhiều cơ quan, đơn vị có những nội quy, quy chế ứng xử cụ thể, riêng cho đặc thù ngành mình, trên cơ sở căn cứ chuẩn mực chung và dựa vào tầm nhìn, sứ mệnh của đơn vị. Đơn cử như ngành y tế là sự tận tâm phục vụ người bệnh; hướng dẫn, tư vấn, giải thích kịp thời, nhã nhặn với bệnh nhân và người thân của họ. Ngành giáo dục là sự tận tụy, mẫu mực, làm gương cho con trẻ của mỗi thầy cô giáo...

Một bộ trang phục trang nhã, phù hợp với hoàn cảnh cộng với lời nói lịch sự, cách giao tiếp văn minh, cái bắt tay nồng ấm... là những việc bình thường trong đời sống nhưng ứng xử sao cho có văn hoá lại cần sự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cá nhân. Quy tắc có nhưng cơ chế thưởng phạt không rõ ràng hoặc qua loa, đại khái đều dẫn tới “nhờn luật”. Ngoài việc tuyên truyền để mỗi cán bộ công chức hiểu và thực hiện, rất cần sự giám sát, tự giác của mỗi người để nhân rộng những hành vi ứng xử văn hoá. Cùng đó những người có hành vi chưa chuẩn mực tự cảm thấy lạc lõng, xấu hổ với chính mình.

Chỉ khi nào cán bộ công chức ý thức về trách nhiệm của mình với công việc, về sự làm công ăn lương, phục vụ người dân trong bộ máy hành chính nhà nước thì mới có ứng xử chuẩn mực để dân tin yêu.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...