Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Rừng "yếu" thì lũ nhiều

Cập nhật: 09:45 ngày 17/10/2017
(BGĐT) - Rất hiếm khi lũ chồng lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc như mùa mưa năm nay.

Lũ nhiều và mạnh có nguyên nhân sâu xa do rừng "yếu" vì bị chặt phá cạn kiệt trong nhiều năm qua.

Rừng “khỏe mạnh” đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với nguồn nước sạch và môi trường sống của con người. Mặc dù chúng không đủ sức ngăn chặn hoàn toàn các trận lũ lớn, nhưng có thể làm giảm đáng kể những thiệt hại về người và của.

Đối với rừng đầu nguồn có sự đa dạng các loại cây, chủng loại tạo nên một thảm thực vật dày đặc và lớp lá rụng tạo thành nhiều tầng trên bề mặt đất. Tất cả các yếu tố này cho phép một lượng lớn nước được hấp thụ vào đất.  Mặt khác, thân cây và một lớp dầy thân lá sẽ làm giảm sức mạnh của dòng chảy sau mỗi trận mưa lớn. Vì thế, mất rừng không chỉ dẫn đến lũ lụt mà còn làm cho các dòng sông cạn nước. Khi rừng không còn để giữ nước cho sông suối, sông suối sẽ chết.

Đáng tiếc thay, trên cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng có những nơi đã từng được ví có  cánh rừng vàng thì giờ đây đang bị khai thác tràn lan đến tận diệt.

Con số công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây về công tác bảo về rừng cho thấy tuy số vụ vi phạm có giảm so với năm trước nhưng vẫn còn rất lớn. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện hơn 13 nghìn vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, làm thiệt hại 1.257 ha. Còn tại Bắc Giang, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 379 vụ vi phạm lâm luật với khối lượng gỗ vi phạm  hơn 125 m3; tăng 88 vụ (30%)...

Có tình trạng trên là do một số quan điểm, nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích trước mắt và chưa coi trọng phát triển bền vững của rừng tự nhiên. Nhiều người cho rằng được quyền định đoạt trên diện tích rừng tự nhiên được giao quản lý, bảo vệ; chính quyền cơ sở và cơ quan kiểm lâm chưa làm tốt việc phổ biến pháp luật.

Việc quản lý, tuần tra, kiểm tra, bám nắm cơ sở chưa thường xuyên dẫn đến quản lý thiếu chặt chẽ làm cho hành vi vi phạm phá rừng gia tăng. Trong khi đó một số vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng chậm bị phát hiện, xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết,  nhiều nơi có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng...

Vấn đề bảo vệ rừng vừa cấp bách, vừa lâu dài, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh, thời gian tới, các ngành, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đồng bộ, không chỉ là công việc của kiểm lâm. Các địa phương có rừng khẩn trương rà soát, thống kê thu hồi những diện tích rừng bị chặt phá trái phép; tạm dừng không chuyển đất rừng tự nhiên sang đất trồng rừng kinh tế. Khi xảy ra phá rừng, UBND huyện, TP yêu cầu công an xem xét, điều tra, xử lý nghiêm.

Phá rừng chẳng khác nào "tay phải chặt tay trái", một số tỉnh bị lũ quét tàn phá thời gian vừa qua là bài học cảnh tỉnh chung cho các tỉnh trung du, miền núi về công tác gìn giữ bảo vệ rừng, đừng để rừng "yếu" và đừng để thiên nhiên cuồng nộ trước khi quá muộn.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...