Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Phạt nặng chưa đủ

Cập nhật: 08:02 ngày 14/09/2017
(BGĐT) - Từ ngày 15-9 tới đây, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực.

Theo đó, chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ  600 đến 800 nghìn đồng nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Cùng đó, nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó cũng bị phạt tiền với mức trên. Trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ thì chủ nuôi phải nộp phạt; nếu sau 72 giờ không có người nhận thì cơ quan chức năng đem đi tiêu huỷ...

Quy định đã rất rõ ràng và được đa số người dân ủng hộ bởi lâu nay, “vấn nạn” thả rông chó ngoài đường, trong công viên gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm cho những người xung quanh đã được đề cập nhiều. Vấn đề đặt ra là ai phạt và phạt ai, làm gì để thực hiện nghiêm Nghị định này?

Theo Nghị định 90 thì chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không đeo rọ mõm hoặc không tiêm phòng dại cho chó. Nhiều vị lãnh đạo cấp này bày tỏ, quy định rất hợp lý, cần thiết nhưng xã, phường, thị trấn có nhiều việc phải giải quyết; trong khi cơ bản các quy định mới đều giao về cho địa phương nên e khó xử lý triệt để. Chưa kể, cấp xã không có lực lượng chuyên trách, không đủ chuyên môn để xử lý. Đơn cử như nếu bắt và tiêu huỷ chó thả rông mà là chó dữ thì rất nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Có thể thấy quy định về xử phạt hành vi thả rông, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng cho chó nhằm góp phần bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân tránh bị chó cắn và hạn chế bệnh dại. Đồng thời thông qua mức phạt nặng lên tới gần triệu đồng với một hành vi cũng sẽ là biện pháp răn đe với những người vi phạm, nâng cao ý thức cộng đồng. Thực tế ở nhiều khu dân cư, mâu thuẫn, bất hoà phố xóm đôi khi cũng chỉ từ con chó “ị bậy”; ra đường, công viên, nhiều người gặp hoạ vì bị chó xô đẩy, cắn nhau và cắn cả người; không ít trường hợp thiệt mạng vì chủ quan, không đi tiêm phòng dại khi bị chó cắn.

Để Nghị định đi vào cuộc sống, bên cạnh mức xử phạt thì khâu tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu các hành vi như thế nào sẽ bị xử phạt là rất cần thiết; như vậy vừa giúp dân hiểu luật, vừa giúp họ có ý thức chấp hành, thay vì chống đối. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt cần tích cực và chủ động “vào cuộc”. Khi xử phạt bảo đảm cương quyết, công khai, công bằng, nghiêm minh và thường xuyên thì chắc chắn quy định sẽ được thực hiện; hình ảnh chó chạy lung tung trên đường không còn và khi ra công viên, nơi công cộng, không ai còn lo bị chó cắn nữa.

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...