Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Văn hoá xếp hàng

Cập nhật: 08:27 ngày 15/08/2017
(BGĐT) - Không xếp hàng, chen ngang là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà thường ngày chúng ta hay gặp. Tuy nhiên có một thực tế là ở những nơi có người giám sát hay có chế tài xử phạt, người dân thực hiện khá nghiêm túc; ngược lại, ở nơi công cộng, thiếu sự nhắc nhở là y rằng, đâu lại đóng đấy. Phải chăng xếp hàng vẫn chưa là ý thức, thói quen với một bộ phận người dân?

Người ta hay nói chuyện vẫn là dân mình cả nhưng sao ra nước ngoài, từ hút thuốc lá đến xếp hàng, tất cả đều chuẩn, rất văn minh, lịch sự. Dẫu anh nào có thèm thuốc đến mấy nhưng thấy biển “No smoking” thì có “cho tiền’ cũng không dám đứng đó mà hút, vì nước ngoài họ phạt rất nặng. Tương tự, đi tham quan hay ở nhà ga, sân bay, tuyệt nhiên mọi người đều xếp hàng ngay ngắn theo sự chỉ dẫn.

Ở trong nước, tới công sở hay nơi vui chơi giải trí lớn, cơ bản người dân đều nghiêm chỉnh xếp hàng, người trước người sau. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có người vô ý thức len lên phía trước, gây phản cảm và bất bình cho những người xung quanh.

Ra đường, chỉ là vài giây chờ đèn đỏ, đèn vàng thôi mà nhiều người cố nhích lên hoặc bấm còi inh ỏi, thậm chí văng tục với người chấp hành đèn đường. Vào các cây ATM, khối người giật mình bởi chưa nhận tiền xong, đã có người xán đến gần để “xí chỗ” người khác đang đứng phía sau. Ở nơi đồng tiền chưa đi liền khúc ruột như thế, việc chen ngang không những mất lịch sự mà còn khiến người khác thêm phần bất tiện, dè chừng.

Xếp hàng ở bệnh viện mới là câu chuyện bởi nó liên quan tới thời gian, thủ tục khám, chữa bệnh chứ không đơn thuần là ý thức, sự tôn trọng mọi người. Dù nhiều bệnh viện đã có sự cải tiến, giám sát nhưng vẫn không tránh khỏi các kiểu chen ngang, thậm chí tiêu cực trong việc xếp hàng khiến người ta hoài nghi, không tin vào việc người đến trước đi trước, người đến sau đi sau nữa.

Có nhiều lý do biện minh cho việc thỉnh thoảng “quên” không xếp hàng của một số người. Đó có thể là do ý thức không được hình thành từ nhỏ; do hệ thống biển báo, đánh số thứ tự nơi có nơi không nên chưa tạo thành thói quen; do tâm lý muốn nhanh hơn người; còn hiện tượng ưu tiên, thiếu minh bạch trong việc xếp hàng dẫn tới tâm lý mạnh ai người ấy lo, chen ngang...

Xếp hàng với nhiều người là chuyện nhỏ nhưng nếu chuyện nhỏ không thực hiện tốt thì sao có thể làm việc to tát hơn. Suy cho cùng xếp hàng là văn hoá, là quyền lợi, là sự công bằng trong xã hội. Một khi chưa đánh vào túi tiền như ở nước ngoài, chưa đánh vào lòng tự trọng của mỗi người và đặc biệt là sự làm gương của cha mẹ, người lớn thì rất khó để có một văn hoá xếp hàng ở mọi lúc, mọi nơi.

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...