Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công nhân rô-bốt

Cập nhật: 09:11 ngày 11/08/2017
(BGĐT) - "90% công nhân của một nhà máy ở tỉnh Bình Dương đã phải nghỉ việc vì rô-bốt" là nhan đề bài báo của Báo điện tử Trí thức trẻ vừa đăng tải được nhiều người quan tâm. Vấn đề đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động đang đứng trước những thách thức mới.

Thời điểm này là lúc nhiều sinh viên, học sinh nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhưng cũng nhiều em đi tìm việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp hoặc lao động tự do. Con đường tương lai phía trước rộng mở với mỗi người nhưng chưa thể chắc chắn cái nào là tối ưu để đạt thành công. Bởi vì ngoài những kiến thức ở trường học còn cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khác mới có thể đạt hiệu quả cao nhất trong công việc và hoạt động thực tiễn của mỗi người.

Có điều dễ dàng thấy rằng, những học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đến làm việc ở các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, may mặc, da giày... chủ yếu được bố trí theo dây chuyền, làm những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại mà khi rời khỏi vị trí ấy coi như họ vẫn chưa học được nghề gì. Và như vậy rủi ro thất nghiệp rất lớn.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp để đạt mục tiêu lợi nhuận cao đã dùng nhiều chiêu trò sa thải những công nhân tuổi trung niên thay bằng lao động trẻ mới từ trường phổ thông ra vì những công việc ấy chẳng cần mấy đến kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tưởng lợi thế là lao động trẻ nhưng với việc nhiều nhà máy thay công nhân trong dây chuyền bằng rô-bốt thì có lẽ công nhân trẻ mới học phổ thông ra cũng chẳng còn mấy cơ hội.

Bài báo trên đưa ra lời cảnh báo: "Đừng nghĩ chuyện rô-bốt "cướp" việc của con người vẫn còn đang đâu đó xa vời ngoài thế giới. Cho đến những ngày giữa năm 2017 này, người ta chứng kiến những công nhân người Việt, ngay trên đất Việt Nam, đang bắt đầu bị "mất việc bởi rô-bốt".

Con số giật mình được đưa ra với nhà máy ở Bình Dương là có tới 90% công nhân  phải nghỉ việc với lý do là vì nhiều dây chuyền sản xuất chỉ cần vỏn vẹn 5 rô-bốt  đã vận hành "ngon lành". 5 rô- bốt này thừa sức thay thế được số lượng lớn tới hơn 100 công nhân nhưng chỉ tập trung được vào duy nhất khâu tạo hình sản phẩm trong toàn bộ dây chuyền.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở một số công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ. Các công ty này cũng đã đầu tư các dây chuyền tự động hóa cao: Ví dụ như những con tôm sẽ được đặt trên băng chuyền và được đưa qua những "con mắt lazer" có chức năng phân loại tôm theo đúng kích cỡ quy định. Phân loại xong, dây chuyền tự động sắp xếp tôm ở cùng một kích cỡ vào một nhóm.

"Tất cả những điều trên đã vẽ lên một thực tại đáng ngại: Các lao động của Việt Nam, phần lớn là lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa đáp ứng được các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao đang dần dần bị mất việc bởi rô-bốt và công nghệ" - bài báo kết luận.

Chuẩn bị vào năm học mới, các trường học phổ thông, các trường nghề cùng với việc bàn các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học rất cần quan tâm đến định hướng nghề nghiệp để làm sao các thế hệ học sinh sau này giảm được hệ lụy từ "công nhân rô-bốt".

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...