Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Bác sĩ”... Google, Facebook!

Cập nhật: 21:11 ngày 28/07/2017
(BGĐT) - Vợ chồng chị K.A ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) đang nuôi con nhỏ hơn 2 tuổi.Vì lập gia đình đã lâu nhưng gần đây mới sinh được mụn con nên dù cháu chỉ “hắt hơi, sổ mũi” là cả bố mẹ cháu đều cuống quýt, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.

Vừa rồi cháu lười ăn, sụt cân, chị liền tìm đủ mọi cách để con ăn ngon miệng. Suốt ngày chị hỏi bạn bè, người thân và lên mạng, tìm kiếm thông tin trên Google, Facebook để cháu chịu ăn hơn. Nhưng đã áp dụng nhiều phương pháp do các “lương y mạng” tư vấn, cháu vẫn biếng ăn, thậm chí la hét, khóc lóc khi đến bữa. Chỉ đến khi gặp bác sĩ chuyên khoa, anh chị mới tìm ra được nguyên nhân, do quá giữ gìn nên ít cho cháu vận động, ra ngoài để hít thở không khí trong lành, gặp gỡ, tiếp xúc với trẻ khác, suốt ngày quanh quẩn trong phòng nên cháu gần như không “tiêu hao năng lượng”. Mặt khác, mỗi lúc cháu khóc là ông bà, bố mẹ lại dỗ dành bằng mấy miếng bim bim, khi đến bữa, cháu không có nhu cầu ăn nữa.

Với chị N.T.H ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) thì suýt nữa mất đi làn da mặt khỏe mạnh vì “bác sĩ” Google. Vốn là người trắng trẻo, xinh xắn nên chị rất chịu khó chăm sóc sắc đẹp, cứ nghe bạn bè mách mẫu kem, cách đắp mặt nạ nào tốt cho da là chị mua, làm theo. Trong một lần tự chữa trị mụn trứng cá đơn giản, chị lên mạng tìm kiếm cách chữa nhanh, không ngờ da chị bị dị ứng, cái mụn bé xíu bỗng trở thành rắc rối lớn. Tìm đến bác sĩ da liễu và chịu chi phí khá lớn, chị mới khỏi nhưng vẫn để lại sẹo, mỗi lần soi gương, chị lại ân hận vì thiếu hiểu biết khiến “tiền mất, tật mang”.

Trong thời bùng nổ Internet, ai cũng có thể trở thành “bác sĩ” với những gì cóp nhặt được trên mạng. Không chỉ tự chữa trị, không ít người còn tư vấn cho bạn bè, người thân dù không có chuyên môn về y học. Vì kiến thức không đầy đủ và không được kiểm chứng nên nhiều người gặp cảnh dở khóc, dở cười kiểu “đau bụng uống nhân sâm... tắc tử”!

Các bác sĩ cảnh báo, trên mạng Internet và các mạng xã hội hiện nay, không khó để tìm thấy những câu hỏi về chữa bệnh, chia sẻ đơn thuốc hoặc cách dùng thuốc tùy tiện. Không thể phủ nhận những tri thức do Internet mang lại, tìm hiểu thông tin về y học trên mạng là cần thiết và hữu ích nhưng đó là chỉ thông tin tham khảo. 

Thực tế đã có rất nhiều người vì quá tin vào những đơn thuốc, kinh nghiệm được chia sẻ trên mạng mà khiến tình hình bệnh tật của bản thân và người khác ngày càng nặng thêm. Chưa kể nhiều người có tâm lý chung là sợ thuốc có tác dụng phụ gây hại cho cơ thể nên thay vì uống thuốc theo đúng liều lượng trong đơn thuốc bác sĩ kê, họ tùy ý giảm liều lượng theo cảm tính, thấy đỡ bệnh là thôi. Ngược lại, có những trường hợp vì muốn nhanh khỏi bệnh nên nôn nóng, tự ý tăng liều sử dụng, uống thuốc dồn dập trong thời gian ngắn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, kháng thuốc trong những lần điều trị sau.

Phương Hà

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...