Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Già hoá dân số

Cập nhật: 09:23 ngày 19/07/2017
(BGĐT) - Phát biểu tại hội thảo về già hoá dân số mới đây, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho biết: Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chiếm 17% và năm 2050 chiếm 25%; là quốc gia có dân số “siêu già”.

Số liệu này cho thấy tốc độ già hoá dân số ở Việt Nam diễn ra rất nhanh. Nếu như các nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hoá dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60 tuổi trở lên chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất 22 năm cho quá trình này. Đặc biệt, khác với các nước già hoá dân số khi đã giàu còn ở Việt Nam dân số già hoá nhanh chóng khi vẫn nghèo.

Tuổi thọ của người dân tăng cao, đó là việc đáng mừng nhưng cũng đặt ra những thách thức trong việc chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội. Thực tế dù tăng tuổi thọ nhưng tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta mắc bệnh khá cao. Thống kê cho thấy trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình; mỗi người thường mắc 2,69 bệnh. Số thuốc người cao tuổi sử dụng chiếm 50% tổng lượng thuốc, do đó chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần so với người trẻ tuổi.

Rõ ràng già hoá dân số không chỉ tác động tới người cao tuổi mà còn tác động sâu rộng đến các nhóm dân số và toàn xã hội; trong khi chúng ta chưa có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Chưa kể, đa số người dân còn nặng tư tưởng người già phải sống gần con cháu hay con cháu phải có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, bố mẹ khi về già. Do đó không ít người bị coi là bất hiếu nếu gửi bố mẹ tới các viện dưỡng lão. Điều này vô hình trung đã tạo ra rào cản khiến nhiều người ngại, không muốn đưa người thân vào chăm sóc tại cộng đồng.

Ở các nước tiên tiến, việc phát triển các viện dưỡng lão và con cháu gửi bố mẹ vào đó là chuyện hết sức bình thường. Bố mẹ tuổi cao, bệnh tật, tâm tính thay đổi, có những thú vui riêng trong khi con cháu bận rộn, vừa không đáp ứng được, vừa không có kinh nghiệm chăm sóc người già ốm. Khi tới viện dưỡng lão, người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ toàn diện, có bầu bạn tuổi già, nhiều người thích ở đó hơn về nhà.

Cùng với việc chuẩn bị tiềm lực kinh tế, xây dựng khung chính sách toàn diện, điều chỉnh hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của người cao tuổi, đã đến lúc người dân cần thay đổi suy nghĩ về cách chăm sóc cha mẹ, người già trong nhà sao cho hợp tình, hợp lý nhất, để người cao tuổi thật sự được sống vui, sống khoẻ.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...