Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hướng đến nền nông nghiệp thông minh

Cập nhật: 09:20 ngày 13/07/2017
(BGĐT) - Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề cập đến vấn đề rất mới là "hướng đến nền nông nghiệp thông minh". Hy vọng nông nghiệp Bắc Giang tiếp tục có bước đột phá khi phát triển theo hướng này.

Trong ba nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, nghị quyết đại hội đều chọn một trong các chương trình KT-XH trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp. Mới đầu là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tiếp đó là phát triển nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhờ được tập trung cao về nguồn lực nên nông nghiệp Bắc Giang có bước tiến nhanh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế trong nước, trong tỉnh bị tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và thế giới như: vải thiều, na, nhãn, cam, bưởi, gà đồi Yên Thế... Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh luôn trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố cả nước.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, còn lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng chú ý sản xuất nông nghiệp chưa định vị theo thị trường, tiêu thụ còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguyên nhân là do đất sản xuất nông nghiệp rất manh mún và phần lớn chủ thể đất đai là hộ nông dân. Việc phổ biến kiến thức sản xuất, đào tạo nghề cho nông dân còn hạn chế. Nông dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Hệ thống chuồng trại, thiết bị phục vụ chăn nuôi còn thô sơ. Trong nuôi trồng thủy sản, việc xử lý môi trường nước chưa được chú trọng.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên cần hướng đến nền nông nghiệp thông minh. Đó là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa...); công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi giá trị... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin).

Công nghệ cao được hiểu là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Để hướng đến nền nông nghiệp thông minh trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; tăng cường xúc tiến, quảng bá, tạo thị trường cho nông sản. Từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ; thay đổi tư duy sản xuất chủ yếu hướng đến quy mô, sản lượng sang ưu tiên chất lượng, an toàn thực phẩm, đưa nông sản vào các kênh phân phối, bảo đảm lợi nhuận của nông dân trong chuỗi giá trị. Khuyến khích tích tụ ruộng đất; liên kết với doanh nghiệp gắn với tạo dựng thương hiệu cho nông sản.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...