Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đạo đức nghề nghiệp

Cập nhật: 09:23 ngày 21/06/2017
(BGĐT) - Từ ngày 1-1-2017, cùng với thực hiện Luật Báo chí, những người làm báo trong cả nước còn thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp.

Trong 10 Quy định này, ngoài những quy định phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật; điều thứ 3 liên quan nhiều tới đạo đức người làm báo, đó là hành nghề phải trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội...

Ngay sau khi được ban hành, 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp được giới báo chí cả nước và dư luận xã hội hoan nghênh, đánh giá cao. Đây được xem như kim chỉ nam hành nghề của nhà báo, giúp nhà báo có định hướng tốt, chuẩn mực khi hành nghề.

Thực tế có nhiều nhà báo đã không quản ngại gian khó, dấn thân vào những nơi hiểm nguy, gian khó để mang tới cho bạn đọc những thông tin chân thực, cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Tuy nhiên, cũng có những phóng viên, những người làm nghề không chịu tu dưỡng đạo đức, lợi dụng uy tín, danh nghĩa cơ quan, nhà báo để làm những điều vụ lợi cá nhân với mục đích xấu, không đúng với Quy định nghề nghiệp.

Nhiều đồng chí lãnh đạo huyện và một sở, ngành trong tỉnh tâm sự rất thật là họ ngại khi tiếp xúc với một số phóng viên các cơ quan báo chí trung ương. Họ ngại không phải vì họ làm điều gì chưa đúng trong phạm vi chức trách của mình mà ngại cách hành xử, làm nghề của các phóng viên này. Có phóng viên chỉ trao đổi qua điện thoại, chưa cả giới thiệu tên, tuổi, địa chỉ đã ngay lập tức có bài trên báo mạng “nhận định về vấn đề này, lãnh đạo huyện cho biết...” mà đôi khi, đó chỉ là trao đổi, ý kiến cá nhân, chưa phải phát ngôn chính thức của ngành. Đáng trách hơn, có đồng chí lãnh đạo vướng bận vào các cuộc họp, chưa kịp trả lời báo chí ngay đã được một số báo “choảng”, kiểu như: “Ông X, ông Y từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên”, nghe rất... nghiêm trọng.

Cá biệt hơn, có những cộng tác viên, người làm báo không chuyên mượn danh nghĩa, giấy giới thiệu của báo này, báo kia, “ngả bài” luôn: “Cho em xin một trang quảng cáo” hay “nếu em không viết bài việc này, việc kia, đề nghị anh ủng hộ, hỗ trợ kinh phí”...

Đó chỉ là những con sâu bỏ dầu nồi canh trong làng báo. Hy vọng với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, sẽ là “cái gậy” để xử lý nghiêm những phóng viên vi phạm và đó cũng là bổn phận, nguyên tắc hành nghề, cao hơn nữa là lương tâm, trách nhiệm của người làm báo.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...