Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Nóng" chất vấn về nông sản thừa

Cập nhật: 08:37 ngày 14/06/2017
(BGĐT) - Hôm qua (13-6), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV. Nhiều vấn đề "nóng" về nông nghiệp được nêu ra tại đây. 

Đánh giá về thực trạng nông nghiệp hiện nay, có đại biểu cho rằng, chúng ta đang lãng phí nguồn lực của người lao động nông dân, lãng phí nguồn lực đất đai. Chính sự lãng phí đó đặt ra câu hỏi về quản lý Nhà nước như thế nào? Định hướng phát triển ra sao và vai trò của các ngành liên quan để có một nền nông nghiệp phát triển. 

"Nóng" nhất là vấn đề nông sản thừa. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh đáng lẽ phải đáng mừng vì cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội nhưng hóa ra nông dân lại phải rước thua thiệt về mình vì "được mùa rớt giá", thậm chí phải đổ đi. Gần đây nhất là người chăn nuôi lao đao do giá thịt lợn rẻ hơn rau. Sao vấn đề nông sản thừa lại chỉ tại người nông dân sản xuất không theo cảnh báo của Nhà nước, sản xuất chạy theo phong trào?

Cũng liên quan đến nông nghiệp, chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn, an toàn thực phẩm lại được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh tỉnh người dân như hiện nay. Dù vậy, việc kiểm soát trong lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhiều nơi đã chạm tới ranh giới báo động đỏ trong an toàn thực phẩm. Trong đó nguyên nhân lớn nhất được nhiều đại biểu đánh giá là do việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn từ chuỗi trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý, dẫn đến thực phẩm không an toàn, còn người tiêu dùng phải chịu hậu quả. 

Sau khi nghe Bộ trưởng Cường giải trình về những hạn chế, bất cập trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, giải cứu nông sản thừa, nhất là tiêu thụ thịt lợn thời gian gần đây nhưng có đại biểu không hài lòng vì thấy vắng bóng vai trò quản lý nhà nước. "Nói người tiêu dùng thông minh, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh để không tự phát thì cử tri nói rằng nhà quản lý phải thông minh" - một đại biểu chất vấn. 

Cuối cùng Bộ trưởng Cường thừa nhận trong ba khúc sản xuất, tiêu thụ thịt lợn, Bộ mới làm được một khúc, hai khúc kia làm kém. "Trong ba khúc một đoàn tàu, sức sản xuất mặt hàng lợn mới làm được ở sản xuất về cám, giống, về sức sản xuất, còn khoang thứ hai là khoang chế biến, tổ chức thị trường rất kém. Không phải ông Công thương mà đây là phạm trù của ông Nông nghiệp, đâu là ông phối hợp, đâu là ông đề xuất, đâu là ông phát hiện, đâu là cảnh báo. Cái này cũng không phải tại dân".

Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nói chung ở diễn đàn Quốc hội  luôn được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm và đã có nhiều đổi mới tác động tích cực nhiều mặt đến công tác điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền. Trước những vấn đề "nóng" về nông nghiệp như trên, dư luận rất hoan nghênh các đại biểu đã chất vấn sâu sát, truy đến cùng những vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời cũng hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường  đã trả lời thẳng thắn, không né tránh, nhận diện rõ những hạn chế, bất cập để từ đó đề ra hướng khắc phục trong thời gian tới.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...