Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Du lịch “chặt chém”

Cập nhật: 09:08 ngày 06/06/2017
(BGĐT) - Câu chuyện một nữ du khách “tây” bị “chặt chém” khi mua gói bánh rán giá… 700 nghìn đồng ngay giữa phố cổ Hà Nội mà báo chí đăng tải cuối tuần qua khiến ai đọc xong cũng cảm thấy xấu hổ.

Theo chị Thu Anh (làm việc tại một cửa hàng trên khu phố cổ), người chia sẻ thông tin đó thì vị khách này không hề có ý định mua bánh rán nhưng người bán hàng cứ đi theo và dí túi bánh rán vào mặt bà. Khi bà lấy ví tiền ra thì người bán hàng tự thò tay vào ví rút hai tờ tiền (mệnh giá 500 và 200 nghìn đồng) rồi bỏ đi trong sự ngỡ ngàng của vị khách. 

Nhiều bạn đọc bình luận đây không phải là việc mua bán mà là trò lừa đảo, cướp giật. Và đây cũng không phải lần đầu tiên những chuyện xấu xí, “chặt chém” khách du lịch mới diễn ra. Thỉnh thoảng, lại thấy chuyện kiểu như ăn bát phở giá vài trăm nghìn, đi tắc-xi 5 cây số giá 500 nghìn đồng, mua con mực có giá tiền triệu… khiến du khách ngán ngẩm.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương vừa công bố, 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là lần đầu và chỉ 6% quay lại. Đây là tỷ lệ trở lại thấp nhất thế giới và nguyên nhân chính, không thể không kể đến, đó là nạn "chặt chém", là những túi bánh rán 700 nghìn đồng như kể trên.

Hằng năm, chúng ta đổ tiền tỷ để quảng bá du lịch, thu hút du khách. Tuy nhiên, những cảnh chèo kéo khách, bắt nạt khách, ăn xin, ăn mày, ăn cắp vặt và đặc biệt là nạn “chặt chém”, bán với giá trên giời thì dù có quảng bá kiểu gì, khách cũng sợ khiếp vía và có lẽ sẽ “một đi không trở lại”. 

Một người làm du lịch chia sẻ, khách nước ngoài tới Việt Nam thường hay “dặn” nhau: Nên tránh xa mấy người bán hàng rong; khi xe tắc-xi, xích lô  hay  ăn uống, mua hàng đều phải hỏi giá trước. Để tránh móc túi, thay vì đeo ba lô sau lưng, cần đeo trước ngực…

Đọc những lời “dặn” của khách quốc tế, có lẽ ai cũng cảm thấy buồn và xấu hổ. Chưa thấy ai bị xử lý và hành động “đuổi khách” ấy vẫn diễn ra từ ngày ngày sang ngày khác, từ địa phương này sang địa phương kia và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại.

Việt Nam vừa đẹp lên một chút khi Hạ Long, Tràng An-Ninh Bình xuất hiện rực rỡ trên phim trường nước ngoài nhưng với kiểu du lịch “chặt chém” thế này, bao giờ khách mới trở lại và bao giờ Việt Nam mới trở thành “điểm đến hấp dẫn” như khẩu hiệu mà ngành du lịch đang đặt ra?.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...