Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Trên bảo dưới... chưa nghe

Cập nhật: 08:41 ngày 25/04/2017
(BGĐT) - Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm kích thích sản xuất trong nước phát triển, quý II năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo ngay trong năm, mỗi huyện, TP phải xây dựng từ một đến hai điểm bán hàng Việt Nam.

Những điểm này bày bán hàng sản xuất trong nước, bảo đảm chất lượng, có biển hiệu rõ ràng mang tên “Điểm bán hàng Việt Nam”, thực hiện đúng quy định về kinh doanh hàng hóa để từ đó thu hút người tiêu dùng tham gia, tôn vinh hàng Việt, kích thích nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước. Sở Công thương có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng điểm bán hàng Việt rất rõ ràng và chỉ tiêu cũng rất cụ thể. Thế nhưng đến nay, ngoài TP Bắc Giang có một điểm từ chương trình của Bộ Công thương được xây dựng trước đó, chưa địa phương nào thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Tháng 8-2016, Báo Bắc Giang theo sát chủ đề này có bài phản ánh thực trạng các địa phương "vẫn loay hoay khảo sát" địa điểm. Cuối năm, Báo Bắc Giang tiếp tục có bài "Người tiêu dùng vẫn chờ điểm bán hàng Việt". Thậm chí khi phóng viên liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND huyện X về việc xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam” cũng chỉ nhận được câu trả lời đang tiến hành. 

Có nhiều lý do được đưa ra như chưa có kinh phí để thực hiện, thiếu địa điểm và chủ hộ kinh doanh không đáp ứng đầy đủ điều kiện theo hướng dẫn... nhưng cũng không đề xuất được giải pháp để xây dựng điểm này ra sao, thậm chí có huyện còn giao cho UBND thị trấn đứng ra thực hiện nhưng vẫn chưa thấy báo cáo kết quả! Tại buổi họp báo của UBND tỉnh mới đây, đại diện lãnh đạo Sở Công thương khẳng định, các huyện chưa quan tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Điểm bán hàng Việt Nam” là mô hình được nhiều tỉnh, TP trong cả nước xây dựng và thực hiện có hiệu quả. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 90% chợ, trung tâm thương mại ở TP, thị trấn và 85% trung tâm xã, chợ nông thôn có điểm giới thiệu và bán hàng Việt Nam cố định, bền vững. Thế nhưng việc xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam” thời gian qua rơi vào tình cảnh “trên yêu cầu nhưng dưới... chưa nghe”, các huyện lỡ không hoàn thành nhưng chẳng làm sao nên mục tiêu Ban Chỉ đạo đưa ra e khó về đích như đã định.  

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...