Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dân vui khỏe, xóm thôn đoàn kết

Cập nhật: 07:52 ngày 30/01/2021
(BGĐT) - Nhịp sống hối hả với bao bộn bề lo toan song ở khắp các địa phương trong tỉnh Bắc Giang, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) đã lan tỏa tới từng thôn, xóm, gia đình. Với người dân ở nhiều vùng quê, TDTT giờ  đây được ví như "cơm ăn, nước uống" giúp họ sống vui, khỏe, hạnh phúc và gắn kết hơn.

Nhà nhà luyện tập

"Mấy ngày nay giá rét, các cụ cao tuổi ít đi hơn, chứ ấm lên một chút khoảng từ 4 rưỡi chiều trở đi anh về thôn sẽ thấy bà con đi tập TDTT như đi hội". Ông Khổng Minh Thương, Trưởng thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) nói với tôi. Quả không sai, chiều một ngày cuối tháng 1, khi chúng tôi về khu vực nhà văn hóa thôn, nơi đây đang tập trung rất đông người tham gia tập luyện TDTT. 

{keywords}

Một buổi tập thể dục của CLB Dưỡng sinh thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang).

Tiếng hò reo, cổ vũ ở 3 sân bóng chuyền hơi chốc chốc lại vang lên. Trên sân vận động, trận bóng của những cầu thủ nhí cũng thu hút được nhiều người xem. Trước sân nhà văn hóa, thành viên CLB dưỡng sinh của người cao tuổi trong trang phục thể thao khỏe khoắn đang dưỡng sinh trên nền nhạc du dương phát ra từ chiếc loa kéo lớn.

Ngồi bên hàng ghế đá, tôi tranh thủ trao đổi với Trưởng thôn Khổng Minh Thương. Được biết, thôn Đồng Quan có gần 500 hộ với gần 2 nghìn khẩu. Hầu hết lực lượng lao động trẻ đi làm công nhân các khu công nghiệp, một số buôn bán tự do song phong trào luyện tập TDTT vào các buổi tối rất sôi nổi. Các CLB TDTT đều có quy chế hoạt động, mỗi CLB từ 30-60 người. Nhà văn hóa, sân vận động, máy tập TDTT hầu như ngày nào cũng hoạt động hết công suất.

-Cơ sở vật chất khang trang thế này chắc nguồn kinh phí đầu tư khá lớn? Tôi hỏi.

-Đúng đấy! Bà con đều tự nguyện đóng góp xây dựng, nhiều người làm ăn, công tác xa quê cũng ủng hộ-ông Thương nói.

Câu chuyện của tôi và trưởng thôn thỉnh thoảng lại gián đoạn bởi tiếng reo hò và những tràng pháo tay của các đội bóng vang lên. Dù đã đi nhiều nơi song hình ảnh người người, nhà nhà rủ nhau đi tập TDTT ở đây khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng.

Rời Đồng Quan, tôi tới xã Quang Thịnh (Lạng Giang), đơn vị điển hình về phong trào luyện tập TDTT của huyện. Dân số xã Quang Thịnh khá đông (khoảng 9 nghìn người) với 13 thôn, phần lớn người dân làm nông nghiệp. Hiện 100% các thôn của xã Quang Thịnh đều có CLB bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, bóng đá, khiêu vũ. 

Từ cuối giờ chiều đến 21 giờ đêm, không khí tập luyện TDTT vô cùng nhộn nhịp với đủ thành phần tham gia, từ công nhân, lao động tự do đến người buôn bán. Trước kia, trong xã có 5-6 quán kinh doanh game, nhiều thanh thiếu niên hay sa đà vào các trò chơi điện tử vô bổ. Vài năm gần đây, phong trào TDTT phát triển, các quán này rất ít người lui tới. Thời điểm này, hầu hết các quán đều đóng cửa.

Để chứng minh, chị Đỗ Thị Lĩnh, cán bộ văn hóa xã Quang Thịnh dẫn tôi tới nhà văn hóa thôn Thanh Lương. Dù chưa đến giờ tập luyện song rất nhiều người đã có mặt. Theo bà Lương Thị Ca (65 tuổi), bà chơi bóng chuyền hơi đến nay được 6 năm và hiếm khi nghỉ trong khi chồng bà chọn môn đi bộ. Buổi chiều chơi bóng, tối về ăn cơm nghỉ ngơi khoảng 30 phút, bà Ca lại tham gia thể dục khiêu vũ. 

Cũng vì chịu khó tập luyện TDTT mà sức khỏe ông, bà luôn dẻo dai, hiếm khi đau ốm. Hiện bà Ca vẫn đang canh tác hơn 7 sào ruộng, kết hợp chăn nuôi, làm vườn. "Lúc chưa chơi thể thao, chân tay tôi hay nhức mỏi, ăn không ngon miệng nhưng vài năm gần đây, tôi ăn, ngủ tốt, trong người thấy sảng khoái. Hôm nào mưa, bão hoặc bận không đi tập lại cảm thấy nhớ CLB", bà Ca nói.

Không chỉ tích cực tham gia phong trào TDTT, nhiều người dân thôn Thanh Lương còn đóng góp sức người, sức của để phát triển phong trào. Điển hình như cô giáo Hoàng Duyên, thôn Thanh Lương mặc dù con nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn song cô vẫn dành thời gian để dạy các em nhỏ trong thôn thể dục khiêu vũ miễn phí. 

Hay như ông Đỗ Hoàng Trình, Trưởng thôn Thanh Lương từng là cầu thủ bóng đá xuất sắc của Quân khu 9, mấy chục năm nay vẫn kèm cặp, huấn luyện đội bóng đá nam, nữ của thôn nhưng không nhận thù lao. Nhiều gia đình tuy kinh tế không dư giả song cũng hiến hàng trăm mét đất làm sân bóng đá, bóng chuyền như hộ ông Nguyễn Văn Cường, Phan Anh Đức…

Thêm đẹp tình quê

Bắc Giang là tỉnh có phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng. Nếu như trước kia, nhắc đến hoạt động TDTT, người ta thường nghĩ đến lớp trẻ nhưng giờ đây thu hút nhiều đối tượng, nhất là người cao tuổi tham gia. 

Đặc biệt, số lượng công nhân sau khi rời công ty về địa phương tham gia tập luyện TDTT rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên so với số dân đạt hơn 35% (cao hơn mức bình quân của cả nước khoảng 8-9%). Toàn tỉnh có gần 56 nghìn gia đình thể thao và gần 2,7 nghìn CLB TDTT. Số giải thể thao có quy mô cấp xã, phường, thị trấn gần 2 nghìn giải/năm, ngoài ra còn có hàng trăm giải quy mô cấp huyện, tỉnh. 

{keywords}

Trận bóng chuyền hơi tại thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh (Lạng Giang).

Phong trào đã lan tỏa khắp các miền quê, thôn, xóm, len lỏi vào trong từng hộ gia đình. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, hàng nghìn nhà văn hóa, sân vận động, bãi tập, khuôn viên... được làm mới, nâng cấp thúc đẩy phong trào TDTT trong tỉnh phát triển. Đây cũng là nơi để mọi người giao lưu, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, làm ăn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Trò chuyện với ông Đào Xuân Hải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tân Yên được biết, toàn huyện có khoảng 29 nghìn hội viên, tỷ lệ người cao tuổi tham gia luyện tập TDTT thường xuyên chiếm hơn 30%. Các môn thể thao cũng rất đa dạng, từ bóng chuyền hơi, bóng bàn, cầu lông đến tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, dân vũ… 

Rất nhiều cặp vợ chồng từ 60 đến 70 tuổi là những thành viên tích cực trong CLB dưỡng sinh, khiêu vũ. Phong trào tập luyện TDTT đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của hội viên, giúp mọi người sống vui, sống khỏe, sống có ích. "Chúng tôi rất vui vì hằng năm, số gia đình do hội viên người cao tuổi là chủ hộ đạt danh hiệu văn hóa khoảng 85%. 

Hiện nay, tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên so với số dân đạt hơn 35% (cao hơn mức bình quân của cả nước khoảng 8-9%). Toàn tỉnh có gần 56 nghìn gia đình thể thao và gần 2.700 CLB TDTT. Số giải thể thao có quy mô cấp xã, phường, thị trấn gần 2 nghìn giải/năm, ngoài ra còn có hàng trăm giải quy mô cấp huyện, tỉnh.

Năm 2020, Hội chúng tôi có 1.600 hội viên đạt danh hiệu "Tuổi cao gương sáng" tiêu biểu của huyện", ông Hải nói. Qua các phong trào không những góp phần nâng cao sức khỏe mà còn gắn kết tình cảm, mối quan hệ của người dân ở mỗi làng quê, đồng thời giảm các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở. 

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trọng Bắc, từ phong trào TDTT, nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc (vật, kéo co, đẩy gậy, đu quay) và lễ hội được khôi phục.

Một tin vui với các vùng quê, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh bảo đảm có ít nhất 1 CLB TDTT. 

Các địa phương huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế thể thao. Mỗi xã, phường, thị trấn có thêm từ 1-2 nhà văn hóa, khu thể thao thôn được xây mới, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định để phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, vui chơi, giải trí cho người dân. 

Công Doanh

Nên tập thể dục bao nhiêu phút mỗi ngày?
Thời gian tập thể dục hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích của bạn. Khái niệm thế nào là đủ chỉ có thể đưa ra lời giải khi bạn xác định rõ mục đích tập luyện của mình.
Trung Quốc: 2500 học sinh tập thể dục như chơi trò rắn săn mồi
Hình ảnh gần 2.500 học sinh một trường học tại Trung Quốc tập thể dục, chạy thay đổi đội hình giống như game Snake gây bão mạng xã hội Trung Quốc.
Khai mạc Giải Vô địch Thể dục dụng cụ quốc gia 2020
Sáng 19/11, tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội), Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Liên đoàn Thể dục Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Giải Vô địch Thể dục dụng cụ quốc gia 2020. Đây là một trong những giải đấu quan trọng nằm trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia hàng năm.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...