Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

No ấm nhờ nghề phụ

Cập nhật: 14:00 ngày 16/03/2018
(BGĐT) - Tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) khoảng hai chục năm trước, khá nhiều thôn quê nghèo nhưng rồi nhờ có nghề phụ, đời sống người dân dần nâng lên, diện mạo nông thôn từng bước đổi thay.
{keywords}

Nghề làm mỳ mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân thôn Châu Sơn.

Trở lại với Đông Am Vàng (xã Việt Lập), hình ảnh của một miền quê nghèo, đường đất, những căn nhà trình đất giờ đã được thay bằng những tuyến đường bê tông mịn màng, hai bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang. Ông Nguyễn Văn Bàn, lão nông tri điền, nhân vật đã đi vào nhiều bài báo của 20 năm trước, thuộc diện nghèo nhất làng, một năm chạy ăn tới vài ba tháng giờ cũng đã có ngôi nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi. Đông Am Vàng hiện là một trong những thôn làng khá giả nhất của xã Việt Lập…

Đồng ruộng Đông Am Vàng đa phần là chân đất cấy lúa chiêm một vụ, vụ còn lại thường trắng nước, khi đó có tới hơn 60% hộ dân trong làng thiếu đói. Năm 1987, ông Giáp Văn Thiệp công tác ở ngành thuế về nghỉ hưu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông tâm niệm phải tìm lấy một nghề gì đó để mưu sinh. Tình cờ năm 1989 khi đến chơi nhà một người quen, ông nhìn thấy chiếc chổi tre và ý tưởng vụt đến. Ông Thiệp tẩn mẩn tháo chiếc chổi đó ra, đo đếm nan, đinh, dây chạc sau đó lại bó lại. Tháo ra, bó lại vài lần ông đã nắm được cách thức làm chổi và ngay sau đó ông cùng vợ và 5 người con ngả tre làm chổi. Những sản phẩm đầu tay chưa thật đẹp nhưng cũng bán được với giá từ 2 đến 2,5 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí lãi hơn 50%. Kỹ thuật làm chổi sau đó được ông hoàn thiện dần, bình quân mỗi ngày gia đình ông làm ra hơn 60 chiếc chổi. Tiền thu về ông đầu tư vào chăn nuôi và từ đó cuộc sống khấm khá dần lên.

Nghề làm chổi ở thôn Đông Am Vàng phát triển khi ông Thiệp hướng dẫn cho anh em họ hàng và bà con trong làng. Bắt đầu từ 10 hộ với 20 lao động tham gia làm chổi, chính qua công việc mọi người nhận thấy chổi tre không cần nhiều công đoạn phức tạp, bất kì người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm được. Hơn thế, làm chổi tre giúp người dân nhanh chóng thu được lợi nhuận, không như làm ruộng, phải trông mong vào thời tiết, thiên tai. Nghề đầu tư ít vốn, tận dụng được thời gian nông nhàn, cách làm đơn giản, hiệu quả, nguyên liệu sẵn có lại rẻ, mọi người cùng rủ nhau sản xuất chổi tre nên cao điểm thôn có hơn 60 trong tổng số 163 hộ làm nghề. Bình quân mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 30 nghìn chiếc, mỗi năm Đông Am Vàng ước tính thu về 4 tỷ đồng từ nghề làm chổi.

Tại thôn Đông Am Vàng, ông Giáp Văn Thiệp là người có công đưa nghề về làng và ông Nguyễn Hoài Muôn là người có công đưa nghề làm chổi ở đây lên một tầm mới. Học nghề từ ông Thiệp, năm 2002 ông Muôn được Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, xã Quế Nham (Tân Yên) mời tham gia dạy nghề cho 30 thương, bệnh binh. Kết thúc lớp học, nhiều người có nguyện vọng làm nghề để tăng thu nhập. Nể phục những người lính đã đóng góp sức mình cho Tổ quốc nên ông sẵn lòng giúp đỡ. Ông xin thành lập Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp với 12 thành viên là thương, bệnh binh nhằm giúp họ có việc làm ổn định. Đến nay, HTX có 17 thành viên, trong đó có cả một số người khuyết tật sản xuất các sản phẩm chính như: Chổi tre, chổi chít, chổi rơm.

Ông Nguyễn Hoài Muôn, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Nghề làm chổi tre đã mang lại nguồn thu tương đối ổn định cho nhân dân làng Đông Am Vàng, góp phần đa dạng hóa ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho xã Việt Lập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hiện còn dưới 5%. Nhiều gia đình giàu lên từ sản xuất chổi, đời sống trở nên ấm no, hạnh phúc”. Với sản phẩm chất lượng bền, đẹp, chổi tre Đông Am Vàng được nhiều người tin dùng. Ngoài thị trường trong tỉnh, chổi còn được tiêu thụ tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh... Năm 2010, Đông Am Vàng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề.

Nếu xã Việt Lập có làng nghề làm chổi tre thì tại xã Ngọc Châu, làng mỳ gạo Châu Sơn giờ đã trở thành một địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương và Hà Nội. Thôn chỉ có 50 mẫu đất canh tác, trong đó có 10 mẫu chân ruộng cấy lúa không ăn chắc, đời sống của người dân nơi đây vốn rất khó khăn. Người có công đưa nghề làm mỳ về làng là ông Nguyễn Văn Hồi. Theo cha mẹ di cư lên Ngọc Châu từ nhỏ, năm 1970 ông Hồi trở về thăm quê ở Bắc Ninh. Thấy ở quê có nghề truyền thống tráng bánh đa, làm mỳ, cuộc sống khấm khá, vậy là ông mày mò học cách làm rồi tìm mua nồi, cối đá cùng các dụng cụ khác đưa về Châu Sơn. Năm 1980 Châu Sơn bắt đầu có một số hộ học và làm theo, cứ vậy, nghề làm mỳ dần lan rộng.

Từ chỗ làm mỳ thủ công, các hộ dân ở Châu Sơn đã đầu tư mua máy móc để sản xuất. Đến nay thôn có tổng số 170 hộ thì có tới phân nửa số hộ làm mỳ. Trung bình một ngày mỗi hộ làm được từ 120 - 150 kg mỳ, mỗi tháng làm từ 2,5-3 tấn và mỗi năm Châu Sơn xuất ra thị trường hơn 1.500 tấn mỳ với giá bán tại nhà 15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Nghề sản xuất mỳ phát triển, kéo theo ngành chăn nuôi phát triển theo, nhiều hộ nuôi từ 50-70 con lợn/lứa. Doanh thu hằng năm từ nghề làm mỳ ở Châu Sơn hơn 37 tỷ đồng. Năm 2014 làng sản xuất Mỳ Châu Sơn được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Năm 2016 mỳ gạo Châu Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu.

Trên địa bàn huyện Tân Yên hiện nay có ba làng nghề: Làng chổi tre Đông Am Vàng, chổi chít Nội Hạc, xã Việt Lập; nghề làm Mỳ Châu Sơn, xã Ngọc Châu, cùng một số nghề đang lên, như nghề làm hương ở Cả Am, xã Phúc Hòa, nghề mây nhựa đan ở xã Ngọc Châu, nghề đan lát ở Sặt, xã Liên Sơn, nghề nuôi gia cầm ở Húng, xã Liên Sơn, nghề làm nấm ở thôn 284, xã Quế Nham, nghề chăn thả cá ở làng Hạ, xã Cao Thượng… Có nghề, kinh tế của các hộ làm nghề đều khá hơn xưa và diện mạo thôn quê cũng đang dần đổi mới.

Châu Giang

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...