Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Yên: Xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Cập nhật: 17:21 ngày 18/08/2017
(BGĐT) - Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo động lực để nông nghiệp Tân Yên chuyển dịch mạnh mẽ, toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa sạch, hiệu quả kinh tế cao.
{keywords}

Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) thu hoạch vú sữa.

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi của huyện Tân Yên được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Xây dựng NTM là dịp để huyện và các xã quy hoạch lại các vùng chuyên canh, từ đó đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, 15 xã trong huyện đã xây dựng được 47 mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Diện tích cây ăn quả toàn huyện năm 2016 là 2.020 ha, trong đó vùng trồng cây ăn quả chế biến xuất khẩu có diện tích hơn 2.000 ha. Tân Yên phấn đấu đến năm 2020 có 3.500 ha cây ăn quả. 

Vùng vải thiều sớm ở xã Phúc Hòa từ vài chục ha thời gian đầu đến nay đã mở rộng ra tất cả các xã vùng đồi. Ngoài vải sớm, cây ăn quả của huyện còn có ổi lai, lê, vú sữa, bưởi, nhãn muộn... Trong đó, dự án tuyển chọn giống cây đầu dòng và xây dựng vùng trồng vú sữa chuyên canh tại xã Hợp Đức do Viện Rau quả T.Ư (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với UBND huyện đang triển khai, mở rộng diện tích. Cây trồng này đang mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân trong vùng. Được biết, HĐND huyện có chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích cây ăn quả theo đúng quy hoạch, từ 0,5 ha được hỗ trợ 10 triệu đồng, thêm 1 ha hỗ trợ 15 triệu đồng mua giống. Các vùng cây ăn quả theo quy hoạch của huyện đều áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được các doanh nghiệp trong và ngoài huyện bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, Tân Yên thu gần 100 nghìn tấn quả các loại, cho giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài mô hình cây ăn quả vùng đồi, Tân Yên còn quy hoạch vùng lúa giống 2.000 ha, chuyên sản xuất lúa giống cho các viện khoa học nông nghiệp và các công ty cung ứng giống miền Bắc. Khai thác thế mạnh vùng đất và kinh nghiệm của nông dân, địa phương quy hoạch vùng chuyên sản xuất lạc giống L14 cung cấp cho các tỉnh có giá trị gấp 1,5 lần so trồng lạc hàng hóa thông thường. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện từ độc canh chuyển sang đa canh. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm tỷ lệ hơn 40%. Tỷ trọng trồng lúa chỉ còn chưa đến 30% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. 

Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, huyện khuyến khích mở rộng mô hình trang trại, liên kết các trang trại, gia trại. Ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước mắt, huyện tập trung củng cố vững chắc các vùng đã được quy hoạch, nhất là với mô hình trang trại, gia trại có diện tích từ 5-10ha, phù hợp với khả năng quản lý của nông dân. Cùng đó khuyến khích người sản xuất áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp của huyện năm 2016 đạt 108 triệu đồng/ha; hộ nghèo giảm còn 6,5%. Đời sống nông dân no ấm, có tích lũy để đóng góp tới 32 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2011-2016 của toàn huyện. Trong giai đoạn này, Tân Yên có 6 xã, 2 thôn đạt chuẩn NTM, các xã còn lại trong huyện đều đạt từ 15,3 tiêu chí trở lên. Huyện phấn đấu đến năm 2021 đạt chuẩn NTM.

Hoàng Hà

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...