Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Nói không với thực phẩm bẩn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo đảm an toàn thực phẩm: Xử lý nghiêm vi phạm

Cập nhật: 13:47 ngày 10/07/2018
(BGĐT) - An toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe mỗi người. Vì vậy, vấn đề này đang được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm. Mục tiêu đặt ra là hạn chế tối đa thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường.
{keywords}

Tang vật mỡ, bì bẩn thu được ở cơ sở chế biến của bà Hoàng Thị Chiêm, thôn Khánh, xã Lương Phong (Hiệp Hòa). Ảnh: Phương Nhung

Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm

Vài năm gần đây, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được đặc biệt quan tâm. Theo đó, các cấp từ tỉnh đến xã đều thành lập Ban chỉ đạo về ATPT do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban để chỉ đạo, điều hành. Với cấp xã, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ thống kê, rà soát các cơ sở; đồng thời kiểm tra, giám sát việc hoạt động; xử phạt nghiêm lỗi vi phạm...

Tuy nhiên, do lợi ích từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên thời gian qua số cơ sở hoạt động thuộc lĩnh vực này tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay đã thành lập mới 144 điểm, nâng tổng số các cơ sở thực phẩm toàn tỉnh lên 22.818. Trong đó lĩnh vực kinh doanh chiếm số lượng lớn nhất tới 14,2 nghìn. Các loại hình gồm: Thu gom, giết mổ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố...

Số lượng cơ sở nhiều, tính cạnh tranh cao, cộng với áp lực về lợi nhuận nên nhiều người không tuân thủ các quy định về ATTP, có hành vi sử dụng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, kể cả thịt, mỡ ôi thiu cũng đưa vào chế biến. Đa số cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên vỉa hè không bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, nhiễm khói bụi, thiếu nguồn nước. 

Nhiều nhà hàng cũng không đạt tiêu chuẩn vì để đồ ăn lẫn nguồn ô nhiễm và các yếu tố độc hại; không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, bao gói, chứa đựng thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đáng chú ý, nhiều nhân viên phục vụ tại các cơ sở không được khám sức khỏe định kỳ vi phạm các quy định.

Thực tế, đa số chủ cơ sở thực phẩm đều tìm cách che giấu hành vi vi phạm nên việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng phòng Y tế huyện Hiệp Hòa, để phát hiện cơ sở chế biến mỡ, bì bẩn của bà Hoàng Thị Chiêm, thôn Khánh, xã Lương Phong, đoàn kiểm tra phải mật phục nhiều ngày mới có kết quả. 

Tại thời điểm kiểm tra (ngày 2-1- 2018), đoàn phát hiện 1.500 kg mỡ, bì lợn đã ôi thiu, đổi màu và bốc mùi hôi thối nên yêu cầu phải tiêu hủy. Hay như để bắt giữ lượng mỳ chính giả nhãn hiệu Ajinomoto vào ngày 14-1-2018 khi đối tượng Đỗ Ngọc Thơ ở xã Hợp Đức (Tân Yên) đang vận chuyển đi tiêu thụ, lực lượng quản lý thị trường và công an đã có hàng tháng trời triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ.

Thực tế số vụ vi phạm quy định về ATTP được thống kê năm nay tăng nhiều so với năm trước. Báo cáo của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm kiểm tra 5.807 cơ sở, phát hiện 1.365 nơi có vi phạm, tăng 264 điểm so với cùng kỳ năm trước. Hầu như các huyện, TP đều có sai phạm song tập trung nhiều ở TP Bắc Giang, các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn và Yên Thế.

Kiên quyết đình chỉ cơ sở không đáp ứng yêu cầu

Tất cả những cơ sở đều bị lập biên bản và xử lý theo mức độ vi phạm. Ví như lỗi không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên thuộc diện phải khám của bà Đỗ Thị Yến, thôn Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh, bị xử phạt 750 nghìn đồng thì việc chế biến thịt, mỡ bẩn của bà Hoàng Thị Chiêm, thôn Khánh bị xử phạt tới 15 triệu đồng và buộc phải tiêu hủy sản phẩm. Đáng chú ý, hành vi vận chuyển mỳ chính giả, lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án. Ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bắc Giang cho rằng cần phải xử thật nghiêm đối tượng vi phạm mới có sức răn đe.

Thực tế, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ 1-1-2018 đề cập khá kỹ về mức xử phạt đối với chủ các cơ sở thực phẩm vi phạm. Điều này tạo điều kiện để việc triển khai quản lý, điều hành lĩnh vực ATTP được thuận lợi. Đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh trong hoạt động tố tụng.

Để các cơ sở sản xuất chế biến đi vào nền nếp, hạn chế vi phạm, trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Một trong số đó là siết chặt quản lý các cơ sở bằng cách phân loại A, B, C tương ứng với từng thang điểm cụ thể. Theo đó, với những nơi đang ở diện cảnh báo xếp loại C, điều kiện hạ tầng chưa tốt, ý thức chấp hành của chủ cơ sở còn hạn chế; đội ngũ nhân viên phục vụ không chuyên nghiệp...., Ban chỉ đạo các cấp cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình triển khai nên kiểm tra đột xuất để phát hiện những sai phạm. Thực tế, một số địa phương chỉ kiểm tra theo định kỳ nên bị chủ cơ sở "qua mặt" vì đã đề phòng, đối phó trước.

Cũng tại hội nghị kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về ATTP 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Bảo đảm ATTP là việc làm cấp thiết vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy ngoài tích cực tuyên truyền để nâng cao ý thức của mọi người trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm còn cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm. Kiên quyết đình chỉ hoạt động những cơ sở không đủ điều kiện, không đáp ứng yêu cầu.

Thanh Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...