Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ động đo huyết áp để phát hiện sớm "kẻ giết người thầm lặng"

Cập nhật: 07:44 ngày 15/05/2019
(BGĐT) - Nhân Tuần lễ Toàn dân đi đo huyết áp được triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ ngày 12 đến 18-5, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Bắc Giang, bà Phan Thị Thi - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cảnh báo về nguy cơ và khuyến cáo người dân chủ động dự phòng cũng như phát hiện và điều trị sớm bệnh tăng huyết áp (THA).
{keywords}

Đo huyết áp miễn phí cho người cao tuổi huyện Hiệp Hòa.

Thưa bà, mục tiêu hướng tới của Tuần lễ Toàn dân đi đo huyết áp phát động trên toàn tỉnh lần này là gì?

THA là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng, gây biến chứng tim mạch trầm trọng và việc điều trị sẽ rất tốn kém, trong khi việc phát hiện sớm bằng đo huyết áp rất đơn giản, ít tốn kém. 

Để hưởng ứng ngày THA Thế giới năm nay (17-5), Tuần lễ Toàn dân đi đo huyết áp được tổ chức với các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tim mạch và THA cũng như khuyến cáo cách phòng tránh bệnh tim mạch với chủ đề “Hãy biết số đo huyết áp như biết số tuổi của bạn”.

Mục tiêu hướng tới trong tuần lễ này là: Thông qua các hoạt động truyền thông và tổ chức các điểm khám sàng lọc nhằm tăng tỷ lệ bệnh nhân THA tại cộng đồng được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách. 

Đồng thời cảnh báo người dân về những nguy cơ của căn bệnh này cũng như khuyến cáo cách phòng tránh nhằm giảm tỷ lệ tai biến và tử vong do THA gây ra.

Xin bà cho biết THA có tác động như thế nào đến sức khỏe con người? 

THA là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, giảm thị lực, mù lòa… làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc. 

Hầu hết người bị THA không có biểu hiện triệu chứng nào cả và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh. Vì vậy THA được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. 

{keywords}

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây bệnh đột quỵ. Ảnh: Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Qua công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, bà nhìn nhận tình hình bệnh THA trong cộng đồng hiện nay diễn biến như thế nào?

Tỷ lệ người THA tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 1992, tần suất THA ở người lớn phía Bắc Việt Nam là 11,7%, tăng lên hơn 11 lần so với 30 năm trước (1960), mỗi năm tăng trung bình 0,33%. 

Và 10 năm sau (2002), theo số liệu điều tra tại 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam ở người dân từ 25 tuổi thì tần suất THA đã tăng đến 16,3%, trung bình mỗi năm tăng 0,46%. Như vậy, tốc độ gia tăng về tỷ lệ THA trong cộng đồng ngày càng tăng cao. 

Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong năm người trưởng thành thì có một người mắc. Theo số liệu điều tra, trong 12 triệu người mắc hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện kịp thời và trên 80% chưa được điều trị.

Tỉnh Bắc Giang hiện chưa có số liệu điều tra tỷ lệ người dân mắc THA. Tuy nhiên thống kê từ Sở Y tế, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đang quản lý, điều trị ngoại trú 53,2 nghìn bệnh nhân THA. 

Bên cạnh số được quản lý, điều trị, vẫn còn số lượng người dân bị THA chưa được phát hiện, quản lý và điều trị tại cơ sở y tế.  

Vậy những ai có nguy cơ mắc bệnh THA, thưa bà?

Những người có nguy cơ THA gồm các trường hợp sau: Ăn mặn- chế độ ăn nhiều muối (Natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh tăng huyết áp tăng cao rõ rệt. 

Người hút thuốc lá, thuốc lào do trong thuốc lá, thuốc lào có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây THA. Ở người bị đái tháo đường, tỷ lệ bị THA cao gấp đôi so với người không bị. 

Người bị rối loạn lipid máu: Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây THA. Người thừa cân, béo phì; người uống nhiều bia, rượu. 

Ít vận động thể lực cũng được coi là một nguy cơ của bệnh THA. Việc vận động hằng ngày đều đặn từ 30 đến 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng. 

Người có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức) làm tăng nhịp tim. Dưới tác dụng của các chất trung gian hóa học là Adrenalin, noradrenalin làm động mạch bị co thắt dẫn đến tăng huyết áp. 

Tuổi cao, thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn, vì thế làm cho huyết áp tâm thu tăng cao hơn. 

Ngoài ra, bệnh THA có thể có yếu tố gia đình, nếu trong gia đình có ông, bà, cha, mẹ bị bệnh THA thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn. Chế độ ăn ít rau xanh, quả tươi cũng thêm nguy cơ THA. 

{keywords}

Truyền thông về bệnh tăng huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế xã An Dương (Tân Yên).

Bà khuyến cáo gì với người dân để dự phòng bệnh THA?

Để dự phòng bệnh tăng huyết áp, người dân hãy thực hiện lối sống lành mạnh, bao gồm: Giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút hoặc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào. 

Không ăn nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao) thay thế bằng chất béo không bão hòa (có trong dầu ăn, cá). 

Không ăn mặn (khuyến cáo ăn <6g NaCl/ngày hoặc <2,4g Natri/ngày); tăng cường các loại rau xanh và hoa quả tươi trong chế độ ăn hàng ngày. 

Tập thể dục đều đặn hằng ngày, mỗi ngày ít nhất 30-40 phút; hạn chế uống rượu bia.

Tránh căng thẳng, lo âu, tự tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ; làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Chú ý kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình; kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.

Trường hợp không may mắc phải, người bệnh phải làm gì để giảm thiểu tác động xấu do THA gây ra, thưa bà?

Khi được chẩn đoán THA, người bệnh phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi, quản lý và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Điều trị THA cần liên tục và lâu dài. Phối hợp chặt chẽ việc điều chỉnh lối sống hợp lý (như đã nêu ở trên) với việc dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Xin cảm ơn bà!

Kim Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...