Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mối nguy từ chó thả rông, không rọ mõm

Cập nhật: 23:31 ngày 10/04/2019
(BGĐT) - “Khuyển mã chí tình”- lâu nay con chó vốn được coi là người bạn trung thành với con người, giúp trông coi bảo vệ tài sản gia đình. Tuy nhiên, loài vật nuôi này đang gây nhiều mối lo khi việc quản lý còn buông lỏng.

Mạnh ai nấy nuôi

Hơn một năm trôi qua nhưng đến nay, nhiều người dân ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) vẫn không thôi ám ảnh về trường hợp chị N.T.T, 33 tuổi tử vong do chó dại cắn. Gia đình chị T chuyên kinh doanh thịt chó. Trong lúc bắt chó làm thịt, chị T không may bị cắn vào chân phải. Vết cắn nông, chảy ít máu nên chị chủ quan chỉ rửa vết thương bằng nước sạch mà không đi tiêm vắc- xin phòng dại. Sau đó, chị có biểu hiện đau mỏi, khó thở, sợ nước, sợ gió, buồn nôn và được đưa vào điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán, điều trị theo phác đồ bệnh dại nhưng chị không qua khỏi.

Dù là loài vật tinh khôn song chó có thể gây nguy hiểm cho con người bất cứ khi nào vì sự chủ quan và những thói quen tai hại của người nuôi. Một số trường hợp chủ nhà do đuổi theo chó hoặc vô tình bị chó xô ngã gây thương tích. Thậm chí không ít trường hợp con vật nuôi thân thiết của gia đình quay ra tấn công chủ hoặc người quen thân. 

Ngày 9-4, anh Hoàng Anh Tuấn ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) bị chó nhà hàng xóm cắn. Hiện anh đang phải tiêm phòng với chi phí hơn 1 triệu đồng cho liều vắc xin gồm 5 mũi tiêm. 

{keywords}

Cuối năm 2017, các phường, xã của TP Bắc Giang từng tổ chức ra quân xử lý chó thả rông nhưng sau một thời gian, vi phạm lại tái diễn. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2018 có 10.677 người (tăng gần 10% so với năm 2017) bị chó cắn đến các trung tâm y tế để tiêm vắc xin phòng dại. Những vụ việc đáng tiếc do chó mèo gây ra với con người ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy mức độ nguy hiểm của vật nuôi này nếu không quan tâm quản lý. Mới đây là vụ đàn chó tấn công làm cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên tử vong; cháu bé ở Sơn La bị lên cơn dại chết sau khi bị chó cắn...

Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 quy định chủ nuôi chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó; bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Tại các đô thị, nơi đông dân cư, hộ dân phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã, phường; khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. 

Tuy nhiên đến nay chưa có trường hợp nào đăng ký nuôi chó với chính quyền và tình trạng chó thả rông, không rọ mõm phổ biến ở tất cả các khu dân cư trong tỉnh. Ở xã Vân Hà (Việt Yên) hiện có hơn 300 con chó chủ yếu được thả rông. Một số hướng dẫn viên du lịch cho biết, những năm gần đây lượng khách nước ngoài đến thôn Thổ Hà giảm nhiều chủ yếu do sợ bị chó cắn. 

Tương tự tại TP Bắc Giang, tình trạng thả rông chó, không rọ mõm vẫn phổ biến. Ở Quảng trường 3-2, Công viên Hoàng Hoa Thám - nơi sinh hoạt cộng đồng, thư giãn của người dân TP vào mỗi buổi tối, sớm xuất hiện hàng chục con chó chạy nhảy, xả thải khắp bãi cỏ hoặc cắn sủa ầm ĩ. 

Chị Nguyễn Bắc, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Dịp tháng 2 vừa qua chị bị một con chó Nhật nhỏ mới đẻ cắn trộm khi đang đi dạo ở vườn hoa nhưng tìm vào nhà chủ gần đó phản ánh thì người chủ thản nhiên nói: “Không sao đâu, nó mới đẻ ấy mà, hôm trước cũng cắn vào tay tôi, hôm Tết thì cắn anh hàng xóm sang chơi”. 

{keywords}

Hằng ngày, nhiều người đưa chó ra khu vực Quảng trường 3-2 mà không xích hoặc rọ mõm. 

Sự chủ quan cũng như nhận thức của người dân về bệnh dại hạn chế. Không ít người không tiêm phòng cho vật nuôi, sau khi bị chó mèo cắn, cào không đi tiêm phòng mà tự điều trị bằng thuốc nam khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng. Bà Bùi Thị Hòa, xã Mỹ Hà (Lạng Giang) sau khi bị mèo cắn khoảng chục ngày thấy mèo chết mới đến bệnh viện nên phải điều trị bằng huyết thanh kéo dài. 

Ngày 22-11-2018 tại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) có 2 con chó có biểu hiện điên loạn, chảy dãi và cắn 7 con chó khác trong thôn. Gia đình chủ nuôi đã bắt nhốt lại, sau hai ngày chó chết. Được biết, số chó này đều được nuôi thả rông và chưa tiêm vắc xin phòng dại. Sau vụ việc này, ngành chức năng mới sử dụng 2,8 nghìn liều vắc xin dại để tiêm phòng cho đàn chó, mèo tại xã Tân Mộc và các xã lân cận.

Theo thống kê tại thời điểm cuối năm 2018, toàn tỉnh có gần 217 nghìn con chó, mèo phân bố ở khắp các huyện, TP và chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông. Đến nay, toàn tỉnh tiêm được hơn 174 nghìn liều vắc xin dại cho đàn chó mèo, chiếm tỷ lệ 80%. Như vậy hàng nghìn con chó, mèo chưa được tiêm phòng dại và có thể gây nguy hiểm cho con người bất cứ lúc nào.

Chó mèo thả rông- mối nguy rình rập

{keywords}

Hình thức xử phạt hành chính đối với chủ nuôi.

Nghị định số 90 ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn gồm phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Chủ nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý vật nuôi.

{keywords}
Theo Bộ luật Dân sự 2015, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra. Tùy trường hợp súc vật gây thương tích, tổn hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất sẽ giải quyết bồi thường theo các quy định cụ thể. Ở một số trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ví dụ khi chủ hộ không tuân thủ quy định về quản lý vật nuôi để chó gây thương tích cho người khác nhưng không thuộc trường hợp cố ý sử dụng chó, mèo tấn công người khác thì có thể bị xử lý theo Điều 138 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trường hợp chủ nuôi chó vi phạm quy định về quản lý vật nuôi, vô ý để chó cắn chết người có thể bị xem xét xử lý theo Điều 128 - Tội vô ý làm chết người với mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù". 

Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Thực tế hiện nay việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp thả rông chó, không tiêm vắc xin phòng dại còn rất hạn chế. Nhiều trường hợp để vật nuôi cắn người gây thương tích, thậm chí tử vong nhưng chưa được xử lý nghiêm; chưa đủ sức răn đe.

Để tăng hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại, giảm thiểu số người bị chó cắn và số người tử vong do bệnh này cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng cũng như người dân. 

Tại Kế hoạch số 1831 ngày 02/6/2017 của UBND tỉnh về việc khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại động vật giai đoạn 2017-2020 quy định: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua vắc xin dại, 100% công tiêm phòng. Theo đó, mỗi một mũi tiêm phòng dại cho chó mèo chỉ còn 7 nghìn đồng.

Nhiều người cho rằng điều quan trọng là cần tổ chức truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại của bệnh dại, có biện pháp bắt buộc tiêm phòng và quản lý đàn chó mèo. Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm chế tài quản lý, xử phạt đối với các trường hợp chủ nuôi không chấp hành quy định thả rông chó, không rọ mõm khi ra nơi công cộng hoặc để chó mèo gây thương tích, thiệt hại cho người xung quanh. 

{keywords}

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân về tiêm phòng bệnh dại. 

Quản chặt đàn chó, chủ động ngừa bệnh dại
(BGĐT)- Nuôi chó ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì chó là loài vật nuôi “chi tình” nên không ít gia đình chủ quan không đề phòng mối nguy hiểm từ chó dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm. 
 
Bắc Giang: Khan hiếm vắc-xin phòng bệnh dại
(BGĐT) - Những ngày gần đây, điểm tiêm dịch vụ của trung tâm y tế các huyện, TP luôn trong tình trạng thiếu vắc-xin phòng bệnh dại khiến nhiều người dân lo lắng khi không may bị động vật cắn.
 
Phòng, chống bệnh dại: Còn chủ quan
(BGĐT) - Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh dại bùng phát. Tuy nhiên, nhiều người dân trong tỉnh chưa quan tâm, chú trọng tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi, nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
 

Quế Thương - Thu Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...