Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

Cập nhật: 16:00 ngày 14/11/2018
(BGĐT) - Ngày 14-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại hơn 700 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm mô hình y học gia đình tại 26 trạm y tế xã. Qua đánh giá thực tế hoạt động, Bộ Y tế tiếp tục nhân rộng tại tất cả các trạm y tế trên toàn quốc theo hướng dễ tiếp cận với chi phí thấp. 

Thực hiện mô hình, các trạm y tế thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: Truyền thông giáo dục, dự phòng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh mạn tính không lây nhiễm, chăm sóc giảm nhẹ ung thư; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số- kế hoạch hóa gia đình; vệ sinh môi trường, nước sạch; tiêm chủng mở rộng; phát hiện sớm bệnh tật, khám chữa bệnh ban đầu; công tác dược và y học cổ truyền. Trong đó chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, bảo đảm trang thiết bị, thuốc để triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản; hệ thống công nghệ thông tin kết nối thanh toán BHYT, quản lý hồ sơ sức khỏe.

Nhiều ý kiến tham luận cho rằng, trong những năm qua, các trạm y tế đã được đầu tư nhiều trang thiết bị thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ dự phòng, khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Nhờ có mạng lưới y tế xã rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông giáo dục sức khỏe được nâng lên trong cộng đồng dân cư. 

Tuy nhiên hiện nay, nhiều trạm chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, số lượng và chất lượng dịch vụ hạn chế, chưa thu hút được người bệnh. Dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chưa đạt yêu cầu, mới thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.

Nguyên nhân do nhân lực thiếu và yếu, đầu tư thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Quỹ định suất BHYT phân cho trạm y tế xã thấp (không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú dành cho số thẻ đăng ký ban đầu tại trạm y tế xã), không đủ chi phí cho khám chữa bệnh BHYT dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển tuyến trên.

Tham luận tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang về triển khai quản lý bệnh không lây nhiễm, ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế chia sẻ: Hiện nay, toàn tỉnh đã quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm cho hơn 86 nghìn người. Trong đó có 187/230 trạm y tế xã thực hiện nhiệm vụ này và đã quản lý 97,3% bệnh nhân tăng huyết áp, 86,2% bệnh nhân đái tháo đường.

Năm 2018 có 20 trạm y tế xã quản lý, điều trị bệnh: Hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính. Kinh nghiệm thực hiện hiệu quả công tác này tại các trạm y tế là chú trọng tập huấn về mô hình quản lý, điều trị ngoại trú; chuẩn bị các điều kiện phục vụ thuận lợi tại trạm, nhất là danh mục kỹ thuật, thuốc điều trị các bệnh mạn tính đầy đủ, thực hiện phác đồ điều trị như bệnh viện.

{keywords}

Đồng chí Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tham luận tại điểm cầu tỉnh Bắc GIang

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành y tế rất lợi thế là đã có nền tảng hệ thống y tế xã bao phủ. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được cắt bỏ các tuyến y tế; cần phải gắn mô hình trung tâm y tế huyện với trạm y tế. Nếu không làm được điều này thì sẽ không đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe người dân theo nguyên lý y học gia đình hiện nay. 

Đồng chí yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai rộng khắp mô hình y tế gia đình tại các trạm, không chờ kết quả làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm để chỉ đạo điểm. Năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế.

Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm (2019-2023). Chậm nhất đến quý I-2019, các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án, lộ trình triển khai thực hiện. Tùy theo năng lực của địa phương có thể triển khai dần theo lộ trình, cuốn chiếu để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình. Nguồn tài chính để thực hiện dự án là ngân sách địa phương, vốn ODA, nguồn xã hội hóa, bảo hiểm y tế, thu dịch vụ của trạm y tế xã. 

Bộ Y tế sẽ triển khai dự án vay vốn ADB, WB theo mô hình trạm y tế xã điểm; thực hiện công tác đào tạo y học gia đình; xây dựng và triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm quản lý trạm y tế xã. 

Để hoạt động hiệu quả, các địa phương cần khắc phục những tồn tại của hệ thống trạm y tế xã trong việc bố trí phòng khám phù hợp với công năng sử dụng; bổ sung, thay thế trang thiết bị cũ, thiếu, cử cán bộ đi đào tạo sử dụng các thiết bị mới; luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống xã và ngược lại; cung ứng đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...