Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Khan hiếm vắc-xin phòng bệnh dại

Cập nhật: 14:26 ngày 02/08/2018
(BGĐT) - Những ngày gần đây, điểm tiêm dịch vụ của trung tâm y tế các huyện, TP luôn trong tình trạng thiếu vắc-xin phòng bệnh dại khiến nhiều người dân lo lắng khi không may bị động vật cắn.

{keywords}

Bệnh nhân đến tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sáng 2-8. 

Chỉ có một điểm còn vắc-xin

Trong tháng 7-2018, bà Vi Thị Thủy, 63 tuổi ở thị trấn An Châu (Sơn Động) bị chó của nhà nuôi cắn vào ngón tay cái. Bà đã đến Trung tâm Y tế huyện nhưng không tiêm phòng được do tại đây đã hết vắc-xin. Những ngày qua, trên địa bàn huyện mưa to bà vẫn phải lặn lội xuống Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm phòng. Đường sá xa xôi, bà phải ăn chực, nằm chờ tại nhà người thân tại TP Bắc Giang để tiêm cho đủ mũi mới yên tâm về nhà. 

Bà Thủy chia sẻ: “Khi biết ở huyện không còn vắc-xin, tôi rất lo. Lặn lội đến hai điểm tiêm dịch vụ của huyện Lục Ngạn, Lục Nam cũng không tiêm được nên đành xuống tận thành phố. Xong mũi đầu tiên tôi vẫn thắc thỏm vì không biết những mũi sau có còn thuốc không”. Qua tìm hiểu, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động hết vắc-xin phòng bệnh dại nhiều tuần nay. Các bệnh nhân đến đây đều được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn xuống phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để điều trị dự phòng kịp thời, đủ mũi, tránh xảy ra hậu quả xấu. Vì vậy, những ngày này, nhiều bệnh nhân tập hợp cùng nhau thuê xe, thuê nhà trọ chờ tiêm phòng rất vất vả. 

Không chỉ riêng Trung tâm Y tế huyện Sơn Động thiếu vắc-xin phòng bệnh dại mà tất cả trung tâm y tế tuyến huyện đều liên tục thông báo hết vắc-xin ngừa bệnh dại từ tháng 4-2018 đến nay. Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Việt Yên cho biết: “Loại vắc-xin này đã khan hiếm trong thời gian dài. Cách đây 2 tuần, Trung tâm mới được cấp 30 liều. Hiện không thể đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của bệnh nhân do các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung ứng hết sản phẩm. Tình trạng này gây bất lợi cho người dân ở các huyện bởi phải đi lại xa, nhiều lần mới bảo đảm tiêm đúng lịch, đủ mũi”. 

Hiện toàn tỉnh chỉ có duy nhất phòng tiêm vắc-xin dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có thuốc phục vụ bệnh nhân. Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận từ 80-100 lượt người bệnh. Mặc dù lượng vắc-xin phòng dại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh nhưng nỗi lo khan hiếm loại thuốc này vẫn hiện hữu. 

Dự trữ vắc-xin hợp lý 

Theo thông tin từ Sở Y tế, cũng giống như tất cả các tỉnh trong cả nước, Bắc Giang đang sử dụng 2 loại vắc-xin phòng dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Gần đây, Pháp dừng sản xuất loại vắc-xin này dẫn đến tình trạng khan hiếm trên cả nước, trong đó có Bắc Giang. Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế cho lưu hành thêm vắc-xin phòng dại nhập khẩu từ Trung Quốc. Loại vắc-xin này được kiểm nghiệm bảo đảm chất lượng nhưng do gần đây một số nước trên thế giới phát hiện có loại vắc-xin phòng bệnh của Trung Quốc vi phạm tiêu chuẩn an toàn chất lượng nên người dân lo sợ không sử dụng, các cơ sở tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh không nhập về. Toàn quốc mới có hai tỉnh Thanh Hóa và Phú Thọ sử dụng vắc- xin phòng dại sản xuất tại Trung Quốc. 

{keywords}

Tủ bảo quản của Trung tâm Y tế huyện Việt Yên không còn vắc-xin phòng bệnh dại. 

Hiện nay, mỗi tháng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự trù mua khoảng 3 nghìn liều vắc-xin phòng dại nhưng chỉ được cung ứng 200 liều/tháng. Tại kho bảo quản của đơn vị còn dự trữ khoảng 600 liều. Trong khi số người bị chó, mèo cào, cắn cần tiêm phòng đang gia tăng, nhất là ở các huyện có đàn vật nuôi đông như: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa. 

Ngoài những bệnh nhân bị chó mèo cào, cắn, những người có nguy cơ cao phơi nhiễm như bác sĩ thú y; người nuôi nhiều chó, mèo; người giết mổ chó cũng đi tiêm ngừa dại chủ động. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4,7 nghìn người bị chó, mèo nghi dại cắn đã đến cơ sở y tế tiêm phòng, tăng cao so với 3 năm trở lại đây. Còn tỷ lệ đàn chó, mèo đã được tiêm phòng dại năm 2018 chỉ đạt khoảng 40%. 

Do quá khan hiếm, phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phải điều chỉnh phác đồ từ tiêm bắp sang tiêm dưới da để giảm liều mà vẫn bảo đảm. Ông Giáp Văn Minh, Trưởng khoa Kiểm soát truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nói: "Trước tình trạng này, chúng tôi khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tiếp xúc với chó, mèo. Nếu không may bị động vật cắn nên sát khuẩn vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy từ 20-30 phút và theo dõi con vật trong khoảng nửa tháng. Nếu bị chó, mèo cào, cắn với vết thương sâu, ở những vùng nguy hiểm như đầu, mặt, dây thần kinh thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và có phương án can thiệp kịp thời. Những trường hợp chưa được tiêm do thiếu vắc-xin nên bình tĩnh nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để tìm đến những điểm tiêm còn vắc-xin dự phòng". 

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã kiến nghị với Bộ Y tế nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Hơn nữa, để bảo đảm nguồn cung ứng không bị gián đoạn, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng để có kế hoạch nhập khẩu, dự trữ vắc-xin hợp lý. 

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...