Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: Cần chuẩn hóa thiết bị, đội ngũ

Cập nhật: 09:10 ngày 16/05/2018
(BGĐT) - Lâu nay, nhiều bệnh nhân than phiền khi đi khám không được công nhận kết quả xét nghiệm của nơi điều trị trước mà phải làm lại từ đầu với quy trình giống nhau, mất thêm thời gian, công sức, tiền bạc. Thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện là cần thiết để giảm tốn kém, phiền hà cho người bệnh. 
{keywords}

Xét nghiệm máu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng.

Vẫn khó thực hiện

Mặc dù cầm trên tay kết quả các chỉ số nội tiết, siêu âm tử cung, vòi trứng bị giãn tắc của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh nhưng khi vào khám tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chị Nguyễn Gia Hân, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) vẫn phải làm lại từ đầu tất cả các xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán, chỉ định hướng điều trị. Trong khi tại bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến cuối luôn trong tình trạng quá tải nên chị Hân phải chờ đợi lâu rất mệt mỏi. Sau khi có kết quả, đem so sánh thì các chỉ số tương tự nhau. Chị Hân nói: “Nếu bác sĩ chấp nhận một số kết quả của tuyến dưới, nhanh chóng hội chẩn, chỉ định phẫu thuật thì tôi đỡ mất thời gian chờ làm lại”.

Nhiều bệnh nhân khám ở bệnh viện huyện, sau đó lên tuyến tỉnh khám lại cũng không được công nhận kết quả trước đó. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Gấm, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) vào Bệnh viện Đa khoa huyện trong tình trạng đau tức ngực. Bác sĩ chỉ định điện tâm đồ và siêu âm tim, sau đó phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu blog nhánh trái, khả năng suy tim. Lo lắng về bệnh tật của mình, bà Gấm lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám lại. Tại đây, các bác sĩ cũng cho chụp chiếu lại như tuyến dưới.

Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân vừa có kết quả xét nghiệm trước đó ở bệnh viện khác song được chỉ định làm lại là do trình độ chuyên môn, trang thiết bị giữa các bệnh viện chưa đồng đều. Nhất là hệ thống máy móc, cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến huyện chưa hiện đại, chuyên sâu. Vì vậy bệnh viện tuyến trên không tin tưởng vào kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nói: “Thực tế, kết quả xét nghiệm ở nhiều bệnh viện khác nhau dẫn đến khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị, nếu không làm lại chẳng may có sai sót khó quy trách nhiệm”.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán chiếm khoảng 20% tổng chi phí khám, chữa bệnh. Hằng năm, mỗi bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện khoảng 600 nghìn xét nghiệm, chụp chiếu. Khi các đơn vị công nhận kết quả của nhau sẽ giảm thiểu thời gian thăm khám, các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị nhanh, phù hợp mà không mất thời gian kiểm tra, đánh giá lại và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.

{keywords}

Liên thông kết quả xét nghiệm tạo thuận lợi cho bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh. Ảnh: Bệnh nhân được phẫu thuật cắt khối giả phình động mạch chậu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chuẩn hóa phòng xét nghiệm

Từ ngày 1-1- 2018, toàn tỉnh đã có hai bệnh viện được công nhận kết quả xét nghiệm liên thông với tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sản - Nhi tỉnh. Tuy nhiên, khi điều trị ở tuyến T.Ư, bệnh nhân vẫn phải làm lại các chẩn đoán cận lâm sàng.

Bác sĩ Từ Quốc Hiệu, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: “Thực hiện liên thông kết quả giữa các bệnh viện là cần thiết nhưng không phải với tất cả các xét nghiệm mà chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm và kết quả cũng chỉ có giá trị trong khoảng thời gian nhất định. Quyền chỉ định xét nghiệm lại vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết. Bởi thực tế, bác sĩ điều trị có thể chỉ định cho người bệnh kiểm tra lại một vài chỉ số tùy theo diễn tiến của bệnh và phác đồ điều trị”. Hơn nữa, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững nếu đã có kết quả ở bệnh viện trước sẽ không phải thực hiện lại, còn những chỉ số thường xuyên thay đổi như công thức máu, men gan thì phải kiểm tra để bảo đảm tính chính xác phục vụ chẩn đoán, điều trị hiệu quả. Ví như tình trạng nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trùng thì bệnh nhân phải làm lại xét nghiệm máu do bạch cầu, tiểu cầu thay đổi liên tục. Hay bệnh nhân đái tháo đường sẽ có chỉ số đường huyết không ổn định nếu chuyển viện sẽ phải làm lại xét nghiệm chứ không thể sử dụng kết quả trước đó.

Đối với những xét nghiệm đơn giản, các bệnh viện có thể đối chiếu kết quả, không nhất thiết chỉ định làm lại như: Chụp X-quang, cộng hưởng từ, siêu âm. Hơn nữa, kết quả xét nghiệm ở nơi khám trước còn là tài liệu tham khảo để bác sĩ hiểu rõ hơn về tiền sử bệnh lý của người bệnh phục vụ cho việc chỉ định hướng điều trị tiếp theo.

Được biết, theo lộ trình của Bộ Y tế, năm 2018 sẽ liên thông kết quả của các bệnh viện tuyến T.Ư, hạng đặc biệt và hạng 1. Đến năm 2020 tiếp tục liên thông giữa các bệnh viện đồng hạng trong phạm vi quản lý của mỗi tỉnh, TP. Đến năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc. Để thực hiện lộ trình này, trong thời gian tới, các cơ sở điều trị, nhất là bệnh viện tuyến dưới cần nâng cao năng lực chuyên môn, nhất là ở lĩnh vực cận lâm sàng. Trước mắt, các phòng xét nghiệm phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Về lâu dài, phòng xét nghiệm đạt chuẩn tạo thuận lợi cho việc quản lý hồ sơ dữ liệu bệnh án điện tử liên thông. Các bệnh viện đẩy nhanh công tác xã hội hóa y tế, chú trọng đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Sở Y tế đề xuất với Sở Nội vụ tuyển nhân lực xét nghiệm sinh hóa có trình độ chuyên sâu; phối hợp với BHXH tỉnh kiểm soát chặt chẽ, không để lạm dụng xét nghiệm.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...