Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo vệ đôi mắt trẻ

Cập nhật: 07:00 ngày 21/04/2018
(BGĐT) - Áp lực của việc học tập kèm theo thói quen có hại cho đôi mắt như xem ti vi, đọc sách không đúng khoảng cách, chơi điện tử thời gian dài... đã khiến cho các tật khúc xạ về mắt, trong đó có cận thị học đường ngày càng gia tăng.
{keywords}

Theo các bác sĩ chuyên khoa, độ tuổi hay mắc cận thị nhất là từ 8-16 tuổi. Ảnh chụp tại lớp 9B Trường THCS Mỹ Độ (TP Bắc Giang).

Học sinh, phụ huynh chủ quan

Đưa con trai đang học lớp 3 đi cắt kính tại một cửa hàng kính mắt trên phố Quang Trung (TP Bắc Giang), chị Nguyễn Thị Mai, ở tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) thổ lộ: "Mấy tháng trước thấy cháu kêu nhức mắt, nhất là khi phải ngồi lâu trên máy vi tính để làm các bài tập tiếng Anh trên mạng Internet, tôi chủ quan nghĩ cháu chỉ mỏi mắt chốc lát. Đến khi thấy cháu nhìn vật gì cũng phải đến gần, cúi sát mặt vào sách vở tôi mới đưa con đi khám. Hậu quả là mắt trái cháu bị cận 2,5 điốp, mắt phải 2,7 điốp".

Cũng có biểu hiện khởi phát như con chị Mai, em Nguyễn Trung Hiếu, lớp 7A, Trường THCS Tiên Hưng (Lục Nam) nói: "Em bị cận thị từ đầu học kỳ I, lúc mới chỉ có 1,5 điốp nhưng em chủ quan không đeo kính. Khi mắt thường xuyên nhức mỏi kèm theo đau đầu mới đi khám lại thì độ cận đã tăng thêm 1 điốp". Do bị cận thị nên Hiếu hạn chế tham gia các trò chơi vận động mạnh như bóng đá hay cầu lông.

Hai trường hợp nêu trên cho thấy, cận thị học đường không loại trừ độ tuổi, bậc học nào. Theo khảo sát của ngành y tế tỉnh, tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ về mắt cao, riêng cận thị học đường chiếm khoảng 15%. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ học sinh bị cận thị thường cao hơn so với vùng nông thôn, miền núi.

Quan sát một số lớp học của Trường THCS Mỹ Độ (TP Bắc Giang) cho thấy học sinh bị cận thị rải rác ở các lớp, ví như tại lớp 9B, lớp có 26 học sinh có 6 em đeo kính. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: Để giảm thiểu số học sinh bị cận thị, nhà trường đã quan tâm bảo đảm ánh sáng trong lớp học. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên nhắc nhở các em hạn chế tiếp xúc với máy tính, điện thoại, đồng thời chú ý vệ sinh mắt, chỉnh sửa tư thế ngồi.

Tại các trường học khác trên địa bàn TP Bắc Giang, tình trạng học sinh bị cận thị phải đeo kính cũng diễn ra khá phổ biến. Một số lớp học chất lượng cao, trường chuyên tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm gần 30% tổng số học sinh của lớp.

Nhận biết sớm để điều trị

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến gia tăng cận thị học đường là do quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học. Ở trường các em học tập với cường độ cao trong điều kiện môi trường, ánh sáng chưa bảo đảm. Đọc sách, ngồi máy tính với khoảng cách gần trong thời gian dài liên tục. Khi về nhà, nhiều em xem tivi, chơi game trên máy tính hay đọc sách không đúng tư thế, khoảng cách... Hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh cận thị, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Tuy vậy, việc phẫu thuật lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Phải ở tuổi trưởng thành (hơn 20), độ cận thị ổn định trong một năm.

Bác sĩ Bùi Đức Nam, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin: Nếu không được phát hiện sớm, cận thị sẽ ngày càng nặng hơn, nhiều trường hợp còn gây biến chứng bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Biểu hiện chính của cận thị là nhức mắt, không nhìn rõ vật ở xa hoặc có các động tác bất thường như liên tục dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn. Do cận thị học đường không phải là bệnh gây tác hại tức thì nên một bộ phận học sinh và phụ huynh xem nhẹ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, cận thị học đường hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để giúp các em có đôi mắt khỏe, nhà trường cần quan tâm bảo đảm ánh sáng trong phòng học. Với các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con đọc sách, xem ti vi, sử dụng máy tính trong khoảng thời gian hợp lý. Khi thấy con có những biểu hiện như nhức mắt, nhìn mờ cần nhanh chóng đưa đi kiểm tra thị lực tại các cơ sở y tế, không tự ý cho con đeo kính không đúng tiêu cự.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...