Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dễ mắc cúm vì những thói quen hàng ngày

Cập nhật: 08:18 ngày 21/01/2018
Cúm tuy đa phần lành tính, tự khỏi nhưng chỉ có ai bị cúm mới thấu hiểu nỗi khốn khổ vì cơ thể đau nhức, đau đầu, mũi chảy ầm ầm, ho, đau họng, sốt… Đáng nói, căn bệnh này rất dễ lây lan do những thói quen chưa được thực hành đúng cách của nhiều người.
{keywords}

Cần rửa tay thường xuyên khi bị cúm để phòng lây bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Kết quả giám sát cúm trọng điểm trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 chủng vi rút cúm A/H3 là chủng lưu hành chủ yếu (79%), tiếp đó là cúm A/H1N1 chiếm 11% và cúm B là 9,1%.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Thế nhưng nhiều người Việt, khi bị vi rút cúm tấn công vẫn đi làm, cho con đi học, vẫn ngồi chung mâm cơm, lười rửa tay xà phòng và đây chính là yếu tố, cứ trong gia đình một người bị cúm thì thường lần lượt các thành viên trong gia đình đều bị sau đó.

Khi bị cúm, người ta bị ho, hắt hơi rất nhiều, lúc này vi rút có trong các giọt nước bọt li ti bắn ra không khí, bắn vào các đồ vật sinh hoạt chung khi tiếp xúc, nói chuyện và dễ dàng lây bệnh.

Có nhiều người dù ý thức hơn, lấy tay che miệng khi hắt hơi, nhưng hắt hơi xong chỉ dùng khăn giấy lau tay mà không rửa tay bằng xà phòng, lúc này vi rút từ “bàn tay bẩn” sẽ dễ xâm nhập vào các vật dụng sinh hoạt chung, như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang… và khi người lành khác chạm vào, dụi tay lên mũi miệng là hoàn toàn có thể lây bệnh.

Trước diễn biến dịch cúm gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Vì thế, để phòng bệnh, mọi người cần thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ; sau khi hắt hơi, hỉ mũi...

“Rửa tay xà phòng rất đơn giản nhưng nó có giá trị phòng 30% nguy cơ mắc bệnh hô hấp và 50% nguy cơ mắc bệnh đường ruột. Tiêm vắc xin ngừa cúm cũng là một biện pháp được khuyến cáo phòng bệnh quan trọng”, PGS Phu nói.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...

Hãy giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...