Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân

Cập nhật: 10:03 ngày 12/01/2018
(BGĐT) - Năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thí điểm lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe toàn dân tại huyện Yên Thế. Từ năm 2018, công tác này được thực hiện ở các huyện, TP trên toàn tỉnh, bảo đảm mỗi người dân đều được thiết lập hồ sơ sức khỏe trong hệ thống y bạ điện tử.
{keywords}

Khám tổng thể để lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân tại Trạm Y tế xã Đồng Vương (Yên Thế).

Kết quả bước đầu

Được thực hiện từ tháng 7 đến hết năm 2017, huyện Yên Thế đã hoàn thành việc lập hồ sơ khám sức khỏe toàn dân. Đông Sơn là xã cuối cùng triển khai xong. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Toàn xã có 7,5 nghìn dân, chia thành ba nhóm đối tượng: Người lao động tự do, cao tuổi, hưu trí; học sinh; cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, thông tin sức khỏe của người dân toàn xã đã lập xong để liên thông với các trạm y tế trong huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện giúp việc chẩn đoán, theo dõi điều trị xuyên suốt, hiệu quả”.

Thông qua việc khám sức khỏe cho người dân trong huyện, các bác sĩ phát hiện nhiều bệnh nhân đang mắc các bệnh mạn tính và cấp tính cần được điều trị, nhất là những khối u có triệu chứng di căn, các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, cơ, xương, khớp. Trung tâm Y tế huyện đã tư vấn, hướng dẫn hơn 200 bệnh nhân tham gia vào các chương trình quản lý chăm sóc, điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản) tại cộng đồng. Ông Hà Văn Long (SN 1953), xã Đồng Vương chia sẻ: “Qua khám tổng thể để lập hồ sơ sức khỏe, tôi mới biết bị chứng tiểu đường. May mắn, bệnh ở mức độ nhẹ và được phát hiện, điều trị kịp thời. Tôi thấy việc triển khai y bạ điện tử rất thuận tiện bởi mỗi lần đi khám không cần cầm theo sổ, không còn lo khi quên phải mua sổ mới mà bác sĩ lại không nắm bắt được tiền sử bệnh tật, loại thuốc đã uống trong những lần điều trị trước”.

Từ tháng 2-2018, mỗi người dân Yên Thế có thể tự vào hệ thống điện tử bằng mã số định danh do Trung tâm Y tế huyện cấp hoặc số chứng minh nhân dân để tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh, tình trạng bệnh tật của bản thân. Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Thế nói: “Năm 2017, toàn huyện đã hoàn thành việc lập bệnh án điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi người đều có một mã số cá nhân, mang tính bảo mật, với đầy đủ thông tin hộ gia đình, bảo hiểm y tế, lịch sử khám chữa bệnh, tiền sử bệnh tật, quá trình tiêm chủng, nhóm máu, khả năng dị ứng... Khi đến cơ sở y tế, người bệnh chỉ cần đọc mã số cá nhân, bác sĩ sẽ tra cứu để nắm đầy đủ chỉ số sức khỏe cơ bản, thuận lợi cho quá trình thăm khám, điều trị tiếp theo”.

Quản lý sức khỏe từng người dân

Năm 2017, huyện Yên Thế có 109,4 nghìn người. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện đã hoàn thành việc thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân.

Yên Thế là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm công tác lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. UBND huyện giao cho Trung tâm Y tế huyện vừa tổ chức thực hiện vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhận thức và sự quan tâm của người dân về ý nghĩa của chương trình còn hạn chế. Một số trường hợp chưa tự giác tham gia, nhân viên y tế phải vận động nhiều lần. Hầu hết các xã, thị trấn đều phải tổ chức khám “vét” do phần lớn người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, người dân đi làm ăn xa chưa chủ động đến khám đúng lịch. Hơn nữa, do số lượng người dân đông nên quy trình khám tổng thể chưa sâu kỹ; việc thu thập thông tin sức khỏe, đặc biệt là khai thác tiền sử bệnh tật cá nhân và các yếu tố liên quan còn sơ sài dẫn đến chất lượng bệnh án chưa cao. Trong khi đó, hệ thống phần mềm công nghệ thông tin phục vụ nhập liệu dữ liệu cũng chưa đáp ứng yêu cầu đồng bộ hóa, chưa kích hoạt được thông tin bệnh án liên tục, thường xuyên. Trình độ công nghệ thông tin của nhân viên tuyến xã còn hạn chế.

Theo đánh giá của Sở Y tế, việc lập hồ sơ sức khỏe toàn dân lưu trữ trong hệ thống quản lý bệnh án điện tử mới triển khai trên địa bàn huyện Yên Thế cho nên chưa liên thông với cơ sở y tế ở các huyện xung quanh và bệnh viện tuyến trên. Công việc này mới dừng lại ở cập nhật thông tin sức khỏe tổng thể và những lần đi khám, điều trị tại các trạm y tế trên địa bàn huyện, bệnh viện đa khoa huyện, liên thông với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh BHYT tuyến huyện. Ông Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để phát huy hiệu quả công tác chẩn đoán và theo dõi xuyên suốt, tổng thể quá trình thăm khám, điều trị của bệnh nhân, theo kế hoạch của UBND tỉnh, 8 huyện còn lại và TP Bắc Giang sẽ tổ chức thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân từ năm 2018. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% người dân trên địa bàn tỉnh được quản lý sức khỏe theo bệnh án điện tử. Các huyện, TP tổ chức khám sức khỏe tổng thể lần đầu để lập bệnh án điện tử và khám định kỳ mỗi năm một lần cho từng người dân tại trạm y tế”.

Rút kinh nghiệm từ huyện Yên Thế, Sở Y tế sẽ chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, TP rà soát kỹ lưỡng, nhập liệu chính xác thông tin từng cá nhân; điều động bác sĩ chuyên khoa sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh về tăng cường cho các địa phương trong những đợt tổ chức khám lập hồ sơ bệnh án. Đặc biệt là yêu cầu Chi nhánh Viettel Bắc Giang chú trọng cung cấp phần mềm quản lý bệnh án điện tử ổn định, tốc độ truy cập nhanh. Qua đó giúp ngành y tế quản lý tốt hơn các nhóm bệnh, tình hình tử vong, bệnh lý có yếu tố gia đình, liên quan đến môi trường sống, nguồn nước, các yếu tố vệ sinh nhằm đánh giá, phân tích mô hình bệnh tật theo độ tuổi, vùng miền để có thể cảnh báo kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...