Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Sức khỏe
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bỏ thói quen xấu để giảm bệnh tật

Cập nhật: 09:01 ngày 19/12/2017
(BGĐT) - Hút thuốc lá là thói quen gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng với riêng người hút mà còn gây nguy hại đến môi trường, cộng đồng và người bên cạnh. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy quyết tâm lên kế hoạch để từ bỏ.
{keywords}

Bệnh nhân hen phế quản được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng.

Gánh nặng bệnh tật

Những ngày rét đậm, Khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) luôn đông bệnh nhân. Trong số đó có nhiều người bệnh rất quen thuộc với các bác sĩ, điều dưỡng tại đây bởi một năm phải nhập viện điều trị nội trú vài lần do mắc hen phế quản, viêm phổi cấp, khí phế thũng. Điều làm người thân lo lắng là, dù các bác sĩ yêu cầu bỏ thuốc lá nhưng nhiều người vẫn lén hút. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Tâm, xã Tân An (Yên Dũng) bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm. Được biết, ông Tâm có nhiều năm hút thuốc lá. Lần nào nhập viện, ông cũng được bác sĩ chỉ định hỗ trợ thở máy và điều trị tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thị trực tiếp điều trị cho ông Tâm cho biết: “Bệnh nhân chuyển sang thể mạn tính là do vẫn hút thuốc lá. Bệnh khởi phát về đêm khi thay đổi thời tiết, thường vào mùa nồm ẩm hay thời tiết rét đậm. Nhân viên y tế thường xuyên động viên người bệnh bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên nhiều bệnh nhân chưa thực hiện”.

Qua khảo sát của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp dưới, có khoảng 70% bệnh nhân điều trị tại đây liên quan đến hút thuốc lá và thường xuyên ngửi khói thuốc, độ tuổi từ 35-40 trở lên. Họ nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, khó khạc đờm, tức ngực, mệt mỏi, ăn ngủ kém… Nhiều bệnh nhân sau khi nghe bác sĩ khuyến cáo về sức khỏe rất lo lắng và quyết tâm bỏ thuốc nhưng cũng có trường hợp hút trở lại sau mỗi đợt điều trị. Những trường hợp này, diễn tiến bệnh trầm trọng nhanh, chi phí điều trị cao.

Năm 2017, Bệnh viện Ung bướu tỉnh phát hiện nhiều bệnh nhân mắc ung thư phổi do hút thuốc lá trong thời gian dài. Trong đó có đến 80% người bệnh ở giai đoạn muộn. Do đa số người hút thuốc lá không để ý đến sức khỏe của mình, chỉ đến khi xuất hiện triệu chứng mới đi khám thì kết quả thường đã rất xấu. Thậm chí một số bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư phổi nhưng vẫn hút với suy nghĩ thuốc lá không phải nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Chỉ đến khi khối u xâm lấn đường thở và các cấu trúc lân cận, người bệnh mới thực sự lo sợ.

{keywords}

Học sinh Trường THPT Lạng Giang số 3 tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Quyết tâm từ bỏ

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ hút mỗi điếu thuốc lá là tự mình làm mất đi 5,5 giây của cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút từ 5-8 năm. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Các bác sĩ cho biết, những người hút thuốc lá thường bài tiết nhiều đờm nhưng khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém hơn người không hút. Hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Khi hút, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh mạn tính không lây nhiễm như: Phổi tắc nghẽn mạn tính, huyết áp, tim mạch, ung thư… Thuốc lá không chỉ tác hại với người hút mà người xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt người hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 10 lần người trực tiếp hút.

Theo thông tin từ Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 72 nghìn người mắc các bệnh không lây nhiễm mạn tính. Đây là gánh nặng bệnh tật cho bản thân, gia đình và xã hội do chi phí điều trị cao, sức lao động giảm. Bệnh viện Ung bướu tỉnh khuyến cáo, 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến khói thuốc. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người bỏ thuốc lá có thể tiếp tục sống hơn 5 năm sau khi phát hiện ung thư phổi chiếm khoảng 63-70%, trong khi tỷ lệ này ở người tiếp tục hút thuốc lá chỉ từ 29-33% do khói thuốc lá có thể thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển.

Thành công của việc cai thuốc lá không phải nhờ vào “phép lạ” mà là nỗ lực của chính bản thân. Các bác sĩ khuyến cáo, người hút thuốc lá cần vượt qua 4 giai đoạn: Nghĩ về việc bỏ thuốc; chuẩn bị các yếu tố cần thiết để bỏ thuốc; bỏ hẳn thuốc; duy trì thời gian hoàn toàn không lệ thuộc vào thuốc lá. Những ngày đầu, người nghiện thuốc sẽ có cảm thấy rất khó chịu, cơ thể mệt mỏi, buồn bực vì đột ngột thiếu một lượng nicotin nhất định. Tuy nhiên khi đã vượt qua giai đoạn này thì việc từ bỏ thuốc lá sẽ dễ dàng hơn.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...