Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng cao năng lực điều trị cho người tâm thần

Cập nhật: 07:00 ngày 23/03/2017
(BGĐT) - Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, chăm sóc, điều trị cho người tâm thần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. 
{keywords}

Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh sẽ được đưa vào sử dụng từ ngày 1-4 -2017.

Toàn tỉnh có hơn 8 nghìn người tâm thần có hồ sơ quản lý. Bệnh viện Tâm thần tỉnh hiện chăm sóc, điều trị thường xuyên cho khoảng 130 bệnh nhân tâm thần. Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người tâm thần. Đến Trung tâm gần đây, chúng tôi thấy diện tích các phòng chật chội, chỉ có 2 phòng nam, 2 phòng nữ và 1 phòng dành cho đối tượng đặc biệt nặng. Nơi đây chỉ tiếp nhận, chăm sóc 26 người tâm thần không nơi nương tựa. 

Với năng lực điều trị của các cơ sở y tế có hạn, hiện còn hàng nghìn người tâm thần đang được điều trị, sinh sống tại cộng đồng. Khi có người bị bệnh tâm thần, nhiều gia đình kiệt quệ về kinh tế, tinh thần. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, có tới 87,4% gia đình có người tâm thần thuộc hộ nghèo. Bởi vậy, sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng đối với các gia đình này là rất cần thiết. 

Tại Bệnh viện Tâm thần, chúng tôi gặp ông Trần Quang Hà (SN 1959), xã Huyền Sơn (Lục Nam) khi đang chăm sóc em gái là Trần Thị Ngân bị tâm thần gần 30 năm. Gương mặt khắc khổ, ông Hà bày tỏ: "Vợ chồng tôi đều già yếu, mong sao được nhà nước quan tâm có cơ sở tiếp nhận, quản lý lâu dài những người như em tôi". 

Từ ngân sách T.Ư, năm 2012, Bắc Giang đầu tư xây dựng Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh, trụ sở tại xã Song Mai (TP Bắc Giang). Đến nay, công trình cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, quy mô 128 giường, dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 1-4. 

Tại đây sẽ tổ chức các hoạt động chăm sóc, điều trị, quản lý phục hồi chức năng tập trung; đào tạo, nâng cao năng lực cho gia đình có người tâm thần các kỹ năng, phương pháp chăm sóc; cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu... góp phần giảm bớt áp lực cho cộng đồng và nỗi lo người tâm thần gây án ngoài xã hội.

{keywords}

Lực lượng công an khống chế đối tượng có biểu hiện tâm thần gây rối tại xã Trí Yên (Yên Dũng).

Trước ý kiến, nguyện vọng của nhiều gia đình, địa phương muốn đưa người mắc bệnh tâm thần vào đơn vị quản lý tập trung, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở LĐTB&XH) cho biết, do việc bố trí ngân sách nhà nước còn khó khăn nên trước mắt nhóm đối tượng lang thang, thuộc hộ nghèo, người không có khả năng tự chăm sóc, người tâm thần từng gây án sẽ đưa vào Trung tâm quản lý. 

Với những trường hợp nhẹ hơn có thể tiếp tục học tập, lao động sản xuất, sinh hoạt tại cộng đồng nhưng gia đình cần quan tâm, chăm sóc, sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, gia đình, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa nguy cơ phụ nữ tâm thần bị lạm dụng tình dục. 

Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình không cấm người tâm thần kết hôn (nếu chưa bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự) song để tránh những hậu quả xấu như sinh con bị di truyền, bạo lực gia đình tại cộng đồng, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng kiến nghị Bộ Tư pháp bổ sung thêm yêu cầu có giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền mới đủ điều kiện đăng ký kết hôn.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...