Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoại tử mũi, biến dạng mặt vì bơm chất làm đầy

Cập nhật: 20:31 ngày 15/03/2017
Sau khi bơm chất làm đầy ở Spa, 2 phụ nữ phải nhập viện vì bị hoại tử mũi, biến dạng gương mặt. Bác sĩ nghi vấn loại chất được sử dụng là silicon dạng lỏng, sau điều trị bệnh nhân cũng sẽ tàn phai nhan sắc.

{keywords}

Sống mũi bệnh nhân bị biến dạng, hoại tử sau khi bơm chất làm đầy.

Ngày 15-3, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp bằng phương pháp bơm chất làm đầy.

Nạn nhân thứ nhất là cô gái 29 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh (HCM) nhập viện trong tình trạng hai bên gò má gồ ghề với nhiều hình khối vón cục dưới làn da. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cuối năm 2016, cô gái đi làm đẹp tại một cơ sở Spa. Sau khi được nhân viên mời chào và tư vấn về hiệu quả làm đẹp tức thì, cô gái đồng ý thực hiện phương pháp bơm chất làm đầy.

Khoảng 1 tháng sau, gương mặt cô gái bắt đầu biến dạng với nhiều hình khối vón cục, gồ ghề. Bệnh nhân phải đến bệnh viện nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ. Qua thủ thuật can thiệp, các bác sĩ bóc ra nhiều dị vật hình dạng khác nhau, vón cục gây nhiễm trùng. Nỗ lực can thiệp của bác sĩ không đạt được kết quả như mong đợi bởi dị vật đã làm biến dạng khiến hai bên gò má lồi lõm.

Nạn nhân thứ 2 là người phụ nữ 41 tuổi, ngụ tại TPHCM cũng nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội, nhiễm trùng, hoại tử từ sống mũi lên chân mày. Tương tự cô gái trên, người phụ nữ này cũng được bơm chất làm đầy tại một cơ sở Spa. Sau khi sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp dưỡng ẩm da, tình trạng nhiễm trùng, hoại tử được ngăn chặn nhưng gương mặt bệnh nhân bị biến dạng vĩnh viễn.

Theo bác sĩ Quốc Khanh, cả 2 trường hợp trên, nạn nhân đều không biết mình đã được tiêm loại chất gì để làm đầy gương mặt. “Chúng tôi nghi ngờ, bệnh nhân đã bị bơm chất làm đầy bằng silicon dạng lỏng (chất này cấm sử dụng trong làm đẹp tại Mỹ từ năm 1990 của thế kỷ trước). Nguy hiểm hơn, bệnh nhân không biết chất mà nhân viên tại Spa bơm cho mình là chất gì nên gây không ít khó khăn trong chẩn đoán và điều trị khi biến chứng xảy ra.

Từ thực tế trên, bác sĩ Quốc Khanh khuyến cáo: Các cơ sở Spa chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da. Những cơ sở này không có bác sĩ, không được phép phẫu thuật, thủ thuật, laser... Các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn chỉ những phòng khám chuyên khoa về thẩm mỹ, da liễu mới được cấp phép thực hiện.

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu, song mỗi người cần là một khách hàng thông minh. Trước khi quyết định làm đẹp tại cơ sở nào, làm đẹp bằng phương pháp gì, cơ sở được cấp phép hay không. Khách hàng nên tìm hiểu kỹ lưỡng, việc xác định phạm vi chuyên môn (giấy phép hoạt động của cơ sở và bác sĩ) là điều cần thiết. Để tránh rủi ro có thể xảy ra, bệnh nhân nên đến các phòng khám, bệnh viện có khoa Thẩm mỹ, hoặc bệnh viện chuyên khoa Thẩm mỹ nơi bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...