Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phản ứng nhanh ở Khoa Cấp cứu

Cập nhật: 14:43 ngày 24/02/2017
(BGĐT) - Ngày cũng như đêm, những thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang luôn hối hả với công việc. Ở đây, người bệnh được chuyển vào cấp cứu liên tục. Đã thành phản xạ, nghe tiếng còi xe cứu thương là kíp trực lao nhanh ra đón nhận bệnh nhân. 

{keywords}

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu.

Khoảng 1 giờ đêm 6-2, nhân viên y tế vội vã đẩy chiếc cáng đưa một nam thanh niên vào cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vỡ bàng quang, khung chậu, gãy xương đùi. Bác sĩ Nguyễn Sỹ An chỉ đạo kíp trực cấp cứu khẩn cấp nhưng vẫn không quên động viên người nhà bệnh nhân: “Các bác cứ bình tĩnh, chúng tôi đang cứu con em các bác đây!”. 

Sau một tuần, thanh niên này đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định. Đó là anh Vũ Văn Tùng, xã Bảo Sơn (Lục Nam), 23 tuổi. Anh xúc động chia sẻ: “Ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tôi mới hiểu được hết tấm lòng của người thầy thuốc và biết ơn các bác sĩ đã cho tôi cơ hội sống để trở về với gia đình”.

Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân thường ở thể nặng, nguy kịch. Nhân viên trực chứng kiến mọi cung bậc cảm xúc của người bệnh, từ đau đớn đến sung sướng, hạnh phúc. Các giường bệnh lúc nào cũng chật kín, trong phòng rất nhiều thiết bị, máy móc. Trong môi trường làm việc nhiều áp lực như thế cần bản lĩnh và sự tận tâm, tận lực của thầy thuốc. Bệnh nhân đông, ai cũng tập trung lo cho người bệnh quên cả thời gian. Rồi những đợt dịch, Khoa là nơi tiếp đón ban đầu, nhân viên cấp cứu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao. Bác sĩ Nguyễn Sỹ An chia sẻ: “Biết thế nhưng chúng tôi không ngại nguy hiểm, thậm chí trong tình huống khẩn cấp còn tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân”. 

Trong quá trình làm việc, các y, bác sĩ vẫn phải đối mặt với áp lực từ sự quá tải, đa dạng, phức tạp của bệnh lý. Thậm chí xuất phát từ tâm lý lo sợ nên đôi khi người nhà bệnh nhân nôn nóng, mất bình tĩnh, có thể có lời nói, hành động thiếu kiểm soát. Những ngày nghỉ lễ, Tết, khi mọi người sum vầy với gia đình thì các y, bác sĩ ở đây vẫn tất bật đi sớm về khuya, ít có thời gian dành cho người thân, bè bạn. Nhiều bữa cơm không kịp ăn, những ca trực thâu đêm, mệt nhoài. Thế nhưng mỗi khi cấp cứu thành công một ca khó, các anh chị lại thở phào nhẹ nhõm và vui vẻ tiếp tục công việc. 

Bác sĩ chuyên khoa cấp II Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ: “Nghề y rất đặc biệt, yêu nghề là yêu người. Công việc đòi hỏi chúng tôi phải thực sự chuyên tâm, cẩn trọng và chu đáo”. Hiện nay, Khoa có 36 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý được đào tạo chuyên sâu về cấp cứu và liên tục trau dồi, nâng cao trình độ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ưu tiên đầu tư cho Khoa các loại máy: Hỗ trợ thở, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, truyền dịch, siêu âm tại giường, X-quang di động… Việc phân loại mức độ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, vì vậy yêu cầu Khoa phải có nhân lực giỏi, đáp ứng các tình huống khẩn cấp. Trong từng ca bệnh cụ thể, các bác sĩ phải nhanh chóng chẩn đoán sơ bộ và đưa ra phương án cấp cứu, chỉ định xét nghiệm kịp thời. 

Thời gian qua, Khoa đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó, bệnh nặng, góp phần giảm thiểu chuyển tuyến như: Sốc nhiễm khuẩn; xuất huyết tiêu hóa; biến chứng xơ gan; phẫu thuật nội soi cấp cứu mật tụy ngược dòng; phẫu thuật cột sống cổ trong chấn thương… 

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...