Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sơn Động khó phát triển vùng chè chuyên canh

Cập nhật: 22:06 ngày 29/06/2018
(BGĐT)- Năm 2016, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại nguồn thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện dự án trồng chè tại Sơn Động. Tuy nhiên, dự án gặp khó do chưa làm tốt việc khảo sát nhu cầu của người dân nên sau hơn hai năm thực hiện, đến nay bà con  tham gia rất ít.
{keywords}

Vườn chè của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Đồng Giang, thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động).

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng một số giống chè mới gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại huyện Sơn Động” là nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình nông thôn miền núi, thực hiện trong 36 tháng, kinh phí hơn 8,9 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án trồng mới 100 ha chè ở thị trấn Thanh Sơn và các xã: Tuấn Mậu, Thanh Luận, Bồng Am; xây dựng một nhà máy chế biến theo dây chuyền tự động tại huyện. Đến nay, dự án mới dừng lại ở trồng mới 1 ha chè tại thị trấn Thanh Sơn.

Theo ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn, nhận thấy chè là giống cây lâu năm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ngay khi được lựa chọn tham gia dự án, chính quyền đã tuyên truyền người dân mở rộng diện tích. Loại cây này chỉ cần trồng một lần, chăm bón cẩn thận sẽ thu hoạch 20 đến 30 năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Một số hộ dân đăng ký tham gia nhưng nay mới chỉ trồng hơn 1 ha. 

Nguyên nhân do hầu hết đồi, bãi, rừng của địa phương được người dân trồng keo, bạch đàn nên không còn quỹ đất, các hộ ngại chuyển đổi. 

Ông Nguyễn Văn Doanh, thôn Đồng Giang, thị trấn Thanh Sơn, chủ hộ đăng ký mở rộng 20 ha chè đến nay cũng chỉ nhận hỗ trợ trồng vài sào. Ông Doanh phân tích: “Trồng keo sau 5 năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha, tiêu thụ thuận lợi, ít tốn công chăm bón. Hiện chè cho hiệu quả khá cao nhưng sau này chưa biết đầu ra thế nào, lại phải bỏ một khoản đầu tư ban đầu lớn làm đất, đập ngăn nước tưới tiêu. Tôi quyết định chỉ duy trì 0,3 ha chè hiện có, diện tích còn lại trồng rừng kinh tế”. Bà con ở một số xã như: Thanh Luận, Tuấn Mậu, Bồng Am cũng trồng cây lâm nghiệp, không có hộ nào đăng ký trồng chè.

Trao đổi vấn đề này với ông Đỗ Đặng Lộc, chủ nhiệm dự án được biết, sắp kết thúc thời gian thực hiện, đơn vị mới hỗ trợ trồng hơn 1 ha chè tại thị trấn Thanh Sơn. Cơ quan chủ nhiệm đề tài đã nhiều lần phối hợp với đại diện phòng chuyên môn của UBND huyện và 4 xã, thị trấn đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền về hiệu quả của cây chè nhưng bà con không tham gia.

"Chúng tôi đang tập trung khảo sát nhu cầu và quỹ đất tại xã Long Sơn cùng huyện để chuyển địa điểm trồng nhưng không mấy khả thi. Đến thời điểm này, 90% dự án sẽ bị dừng và hoàn trả tiền Nhà nước", ông Lộc nói.

Thực tế cho thấy, đối với dự án trồng chè tại huyện Sơn Động, các đơn vị chủ trì và cơ quan xét duyệt của tỉnh chưa xem xét, đánh giá đầy đủ mọi điều kiện trước khi đưa vào thực hiện, nhất là nhu cầu người dân. 

Do vậy, cơ quan tham mưu, phê duyệt và chủ trì các nhiệm vụ khoa học cần sát sao hơn nữa trong xây dựng, thẩm định tính khả thi dự án trước khi ứng dụng vào sản xuất, trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, tránh lãng phí.

Minh Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...