Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghiên cứu, bảo tồn giống trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Cập nhật: 08:30 ngày 25/07/2019
(BGĐT) - Nhằm bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Sau gần 3 năm thực hiện đã cho kết quả khả quan.  

Dược liệu quý

Theo các chuyên gia, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 34%, trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% có thể xem là thành công trong điều trị loại bệnh này. Trà hoa vàng còn có tác dụng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch, hạ đường huyết, đột quỵ; giải độc gan, thận; chống viêm, dị ứng; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu… 

{keywords}

Xã viên Hợp tác xã Dược liệu Lựu Chanh trao đổi kỹ thuật trồng trà hoa vàng tại hộ ông Nguyễn Văn Lựu, xã Trường Sơn (Lục Nam).

Trên thị trường, trà hoa vàng khô giá bán dao động từ 3 - 4 triệu đồng/kg; tại thị trường Trung Quốc, giá bán từ 8-10 triệu đồng/kg. Mỗi ha trà có thể cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng từ sản phẩm hoa và lá. Ở tỉnh Bắc Giang, trà hoa vàng phân bố chủ yếu ở một số khu rừng, đồi cây lâu năm tại các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn.

Do giá trị cao nên loại dược liệu quý này bị người dân khai thác triệt để, chưa có biện pháp nghiên cứu bảo tồn, phát triển bền vững. Từ thực tế đó, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. 

Đây là đề tài cấp tỉnh, thời gian thực hiện từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019. Mục tiêu là thu thập được 2-3 loài trà hoa vàng có hoạt chất tốt làm cơ sở cho việc nhân giống và phát triển trên địa bàn tỉnh. Xây dựng vườn nhân giống quy mô 5 nghìn cây bằng biện pháp giâm cành và mô hình trồng thâm canh quy mô 3 ha.

Các nhà khoa học đã chọn các xã: Bình Sơn, Trường Sơn (Lục Nam); Quế Sơn, Yên Định, Cẩm Đàn (Sơn Động); Tam Tiến (Yên Thế) để xác định sự phân bố, đặc điểm hình thái, sinh trưởng của trà hoa vàng; phân tích định lượng một số nhóm chất, chỉ tiêu sinh hóa. Sử dụng chất kích thích sự ra rễ của cây bằng phương pháp giâm cành; nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh; thiết kế vườn ươm có khả năng thoát nước và điều chỉnh ánh sáng...

Tín hiệu vui

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, đến thời điểm này, các mục tiêu của đề tài cơ bản bảo đảm kế hoạch, tiến độ, kết quả bước đầu khả quan. Các chuyên gia đã thu thập được 2 giống trà hoa vàng có tên khoa học là Camellia Hongkonggensis và Camellia Cucphuongensis có hoạt chất tốt. Xây dựng được vườn nhân giống quy mô 5 nghìn cây tại hai xã Tam Tiến, Yên Định. 

Đối với mô hình nhân giống trà bằng phương pháp giâm cành, tỷ lệ sống đạt 80% trở lên. Hiện đã có 2,5 ha trà hoa vàng được thâm canh tại một số xã bên sườn Tây Yên Tử thuộc hai huyện Sơn Động, Lục Nam. Nhóm nghiên cứu cũng kết luận, nhân giống bằng hom bánh tẻ, mật độ trồng 4 nghìn cây/ha cho cây giống sinh trưởng, phát triển mạnh nhất.

Hộ ông Nguyễn Văn Lựu, xã Trường Sơn (Lục Nam) được thí điểm trồng khoảng 2 nghìn cây giống từ vườn ươm của dự án từ cuối năm 2018. Ông Lựu cũng là người phát hiện và trồng trà hoa vàng sớm ở xã với quy mô lớn. Tham gia dự án, ông được tập huấn quy trình, kỹ thuật chăm sóc. “Qua theo dõi bước đầu, cây phát triển tốt, thời điểm hiện tại cây cao 50-60 cm, khoảng 6 năm sẽ cho hoa”, ông Lựu nói. 

Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết, toàn huyện có gần 30 ha trà hoa vàng. UBND huyện xác định đây là cây bản địa mới, mang lại giá trị kinh tế cao vì rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở các xã có diện tích rừng lớn dưới chân núi Yên Tử. 

Năm 2018, UBND huyện đã hỗ trợ giống cho các hộ ở một số xã với diện tích 10 ha, trị giá 100 triệu đồng. Việc triển khai, nghiên cứu về cây trà hoa vàng là cơ sở để đơn vị tham mưu cho UBND huyện xem xét có hướng mở rộng diện tích thời gian tới.

Được biết, các kết quả nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống trà hoa vàng bằng phương pháp giâm cành và trồng thâm canh dự kiến sẽ được Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng chuyển giao cho phòng nông nghiệp- PTNT và người dân một số huyện. 

Theo Thạc sĩ Chu Huy Tưởng, đại diện nhóm nghiên cứu, việc nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống cây trà hoa vàng không những phục vụ mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Lục Nam mở rộng diện tích trà hoa vàng
(BGĐT) – Năm nay, một số hộ dân ở các xã: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã trồng mới 6 ha trà hoa vàng, nâng tổng số diện tích loại cây trồng này toàn huyện lên 10 ha.
Nhiều đề tài khoa học, công nghệ khó nhân rộng, vì sao?
(BGĐT) - Mỗi năm, tỉnh Bắc Giang đầu tư hàng chục tỷ đồng phục vụ công tác nghiên cứu nhằm lựa chọn giải pháp tiên tiến áp dụng vào sản xuất, đời sống. Hầu hết các đề tài, dự án khoa học, công nghệ (KH&CN) đều được nghiệm thu thành công; nhiều nhiệm vụ KH&CN đạt loại tốt, xuất sắc song vẫn khó nhân rộng.
Bắc Giang: Nghiên cứu, bảo tồn giống trà hoa vàng
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt đề tài khoa học công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng” do Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH-CN) chủ trì. 

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...